Thôn Xa Re, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. ẢNH: THIÊN SƠN
Tỉnh Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tỉnh Quảng Trị thuộc vùng Bắc Trung bộ, có vị trí thuận lợi nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 31 xã, thị trấn; 191 thôn vùng dân tộc thiểu số với 2 cộng đồng chủ yếu là Vân Kiều và Pa Cô, có 28 xã đặc biệt khó khăn, 187 thôn bản đặc biệt khó khăn.
Tỉnh thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 là trợ lực quan trọng để vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị phát triển toàn diện. Đặc biệt, đời sống của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.
Một trong những nội dung quan tâm của tỉnh Quảng Trị là vấn đề về đất ở và đất sản xuất đối với người dân hiện nay, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (theo Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Quảng Trị tập trung nỗ lực triển khai Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.
Căn cứ vào Quyết định số 1719/2021/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025 theo đúng quy định.
Đồng thời, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành 5 nghị quyết; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hơn 35 văn bản quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện chương trình. Trong quá trình triển khai, Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; chế độ báo cáo hàng tháng tiến độ giải ngân nguồn vốn, công tác kiểm tra giám sát và báo cáo định kỳ, đột xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ. Song song với việc triển khai 10 nội dung và các tiểu hợp phần của dự án thuộc chương trình, Ban Dân tộc tỉnh quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng người dân, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể và cộng đồng nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định, giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ở tỉnh Quảng Trị là 1.479 tỷ đồng, đồng thời còn nhiều nguồn lực đối ứng của tỉnh, của các huyện trên địa bàn. Với nguồn vốn này, các địa phương đã phân bổ phần rất lớn để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, đã tạo động lực quan trọng giúp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị chuyển mình mạnh mẽ, khởi sắc toàn diện.
Theo đó, kết quả thực hiện nguồn kinh phí phân bổ năm 2022 (được tiếp tục thực hiện trong năm 2023) và năm 2023 đã giải ngân đạt 55,6% kinh phí kế hoạch. Nội dung hỗ trợ đầu tư từ các hoạt động của từng tiểu dự án, dự án thuộc chương trình đã tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lợi thế của từng tiểu vùng. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 giảm 3,25% so với năm 2022. Hạ tầng cơ sở được xây dựng đồng bộ, phục vụ cơ bản cho sản xuất và đời sống dân sinh của đồng bào, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát huy.
Sau gần 4 năm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hàng chục tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn/bản được đầu tư sửa chữa, xây mới. Đến nay, 28/28 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên tỉnh Quảng Trị có đường bê tông, nhựa về đến trung tâm xã thuộc địa bàn hai huyện (Hướng Hóa, Đakrông), giúp người dân đi lại thuận lợi hơn so với trước đây,…
Ngoài ra, hệ thống trường học các cấp cũng đã được đầu tư sửa chữa, xây mới khang trang, như: Trường Mầm non xã Tà Rụt (Đakrông) đã được đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng phòng giáo dục thể chất và phòng học đa chức năng và Trường Trung học và Trung học cơ sở xã Mò Ó (huyện Đakrông) với vốn đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng để xây mới 2 tầng. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều nhà máy nước, hệ thống nước sạch tự chảy cũng đã được đầu tư xây dựng, như: hệ thống nước sạch tại xã Đakrông (huyện Đakrông); hệ thống nước sạch ở thôn 5 xã Ba Lòng (huyện Hướng Hóa);… qua đó giúp nâng tỷ lệ hộ đồng bào được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tính đến nay, toàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có 66% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh…
Hiện nay, Quảng Trị có 21.399 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa; trong đó, có 10.243 hộ nghèo, 3.325 hộ cận nghèo đang cần được hỗ trợ để cải thiện cuộc sống.
Về nội dung Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời mở ra hướng giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, tại huyện Đakrông - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được chính quyền địa phương quan tâm triển khai sớm.
Trong 2 năm (2022 và 2023) triển khai, tổng ngân sách hỗ trợ đất ở được cấp là 7,6 tỷ đồng, riêng năm 2023, toàn huyện đã có 233 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở… Riêng đối với đất sản xuất, huyện cũng đã tiếp tục hoàn thiện khâu cuối cùng là phê duyệt số hộ được thụ hưởng. Còn tại Hướng Hóa, đây là huyện biên giới của tỉnh Quảng Trị, từ năm 2022 đến tháng 4/2024, toàn huyện có 153 hộ được hỗ trợ đất ở; 253 hộ được hỗ trợ đất sản xuất theo Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Trong thời gian triển khai, thực hiện nội dung Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên triển khai kịp thời nội dung Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng thuộc hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Qua đó, giúp hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hai huyện này đã thoát nghèo.
Gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định phân bổ 188,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024. Theo đó, tỉnh bố trí hơn 14,2 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; gần 11,3 tỷ đồng quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết. Cùng với đó, tỉnh đầu tư hơn 107,4 tỷ đồng đầu tư phát triển nông lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; gần 11,2 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; hơn 11,5 tỷ đồng phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện các chương trình theo quy định. Đồng thời, cân đối bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương và tăng cường các nguồn huy động, khuyến khích đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng chương trình. Trong đó, đặc biệt cần đầu tư có trọng tâm, bền vững theo thứ tự ưu tiên, theo địa bàn đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết cơ bản về tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho người dân. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
NGUYỄN HỒNG VĨ - Tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội vùng dân tộc