Tháo gỡ vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
2 giờ trướcBài gốc
Đoàn chủ tịch chủ trì hội nghị.
Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả Trà Vinh đạt được sau gần 3 năm triển khai Chương trình, đặc biệt là thực hiện Dự án 1. Kết quả giám sát của Đoàn cho thấy, việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng, không chồng chéo, có sự tham gia và thống nhất của người dân, cộng đồng nơi bình xét. Tỉnh đã ưu tiên chọn các đối tượng khó khăn hơn, như: hộ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, đối tượng nữ dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn.
Dự án 1 đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, sinh hoạt của hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Tuy vậy, theo đánh giá của Đoàn giám sát, việc triển khai Dự án 1 của Chương trình trên địa bàn gặp một số khó khăn như: tiến độ triển khai Dự án, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn khá chậm, chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề (thay cho đất sản xuất) có định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thấp (không quá 10 triệu đồng/hộ) chưa phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ thoát nghèo cho đối tượng thụ hưởng.
Sau giám sát, Đoàn sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của tỉnh Trà Vinh để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm cơ sở hoàn thiện các nội dung liên quan đến thực hiện Dự án 1; tham mưu Chính phủ, bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao nhất.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Thạch Mu Ni cho biết, tiến độ thực hiện Dự án 1 ở tỉnh còn khá chậm, tỷ lệ giải ngân còn thấp do nhiều nguyên nhân, như: Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn khi triển khai chương trình. Các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn quỹ đất công để hỗ trợ đất sản xuất, đất ở theo dự án. Vì vậy, các hộ thụ hưởng nội dung này phải mua lại đất của người khác và việc hỗ trợ chuyển đổi nghề được thay bằng đất sản xuất. Đây được được xem là giải pháp cần thiết; tuy nhiên với định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề tối đa 10 triệu đồng/hộ và hỗ trợ đất ở 40 triệu đồng/hộ gây khó khăn cho địa phương trong việc lựa chọn, thực hiện phù hợp đối với từng hộ. Bên cạnh đó, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh là địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp, thiên tai thường xảy ra. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân và kết quả triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ trong vùng.
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cầu Kè phát biểu kiến nghị với Đoàn giám sát.
Để việc thực hiện Chương trình trên địa bàn đạt hiệu quả cao nhất, Trà Vinh kiến nghị, cơ quan thường trực chương trình, bộ, ban, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng đối với hộ cận nghèo thuộc địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ có nghị định quy định quy trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ được hỗ trợ đất ở thuộc Chương trình; thêm cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số không còn thuộc vùng đặc biệt khó khăn nhưng gặp khó trong cung cấp vật tư, vật liệu thực hiện chương trình... Trung ương nâng mức hỗ trợ nhà ở lên 80 triệu đồng/hộ và nâng mức hỗ trợ đất ở, đất sản xuất...
Trà Vinh có tổng dân số trên 1 triệu người; trong đó, các dân tộc thiểu số như: dân tộc Khmer chiếm 31,5%, dân tộc Hoa chiếm khoảng 0,66%, các dân tộc thiểu số khác chiếm 0,05%.
Trong 2 năm (2022 và 2023), từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn huy động, tỉnh bố trí tổng kinh phí gần 162 tỷ đồng để thực hiện Dự án 1. Đến ngày 31/1/2024, địa phương đã giải ngân trên 47,4 tỷ đồng (hơn 29% kế hoạch vốn). Theo đó, tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở 34 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 737 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 508 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 418 hộ. Địa phương đầu tư xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các xã Thanh Sơn, Kim Sơn, Ngãi Xuyên (huyện Trà Cú) với tổng vốn đầu tư trên 8,6 tỷ đồng; giải ngân đạt 87,3%...
Thanh Hòa (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/thao-go-vuong-mac-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20240921124245443.htm