Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116
11 giờ trướcBài gốc
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, ĐHH gắn lý thuyết với thực hành
Giảm bớt gánh nặng
Bùi Xuân Hoài, sinh viên năm 4, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (ĐHH) chia sẻ, em bắt đầu được hưởng chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt khi bước vào năm nhất. Việc được miễn học phí hoàn toàn và hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt hàng tháng giúp em và gia đình giảm gánh nặng tài chính. Số tiền hỗ trợ sinh hoạt phí em dùng để thuê phòng trọ, tiền ăn học. Thay vì vừa học vừa làm thêm ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập, thì chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 tiếp thêm động lực cho em hơn trong học tập và rèn luyện. Hoài toàn tâm toàn ý tập trung vào việc học, tham gia các hoạt động thực tập, các buổi học ngoại khóa, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho một giáo viên tương lai.
Cô Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Đào tạo Đại học và Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, ĐHH thông tin, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116 là sinh viên trúng tuyển và nhập học vào các ngành đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hoặc địa phương cấp tỉnh thông báo chỉ tiêu tuyển sinh các ngành này, có cam kết phục vụ ngành giáo dục sau tốt nghiệp. Mức hỗ trợ tiền đóng học phí toàn khóa học (4 năm học) và hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng, mỗi năm học là 10 tháng.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, ĐHH tại một buổi thực hành
Theo cơ chế ràng buộc của Nghị định 116, khi được hưởng chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, sinh viên sư phạm phải làm đơn theo mẫu, xác nhận của người giám hộ gửi cho trường trước 15 ngày kể từ ngày nhập học, cam kết công tác đúng ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp 2 lần thời gian được hỗ trợ (8 năm). Nếu vi phạm cam kết (thôi học, không tốt nghiệp, không công tác đúng ngành hoặc không đủ thời gian), sinh viên phải hoàn trả toàn bộ kinh phí đã nhận. Nhà trường cập nhật tình trạng học tập hàng tháng, lập danh sách sinh viên không đủ điều kiện để điều chỉnh kịp thời việc hỗ trợ và gửi thông báo về địa phương để thu hồi kinh phí.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Nghị định 116 là chính sách nhân văn, phù hợp định hướng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quá trình triển khai nghị định này, Trường Đại học Sư phạm, ĐHH cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đó là một số ít cán bộ, sinh viên và phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ nội dung chính sách, thiếu hướng dẫn về chuyển trường, chuyển ngành. Một số sinh viên vào học ngành đào tạo giáo viên nhưng vẫn mơ hồ, không xác định rõ hướng đi nên tự ý bỏ học, hoặc tự làm đơn xin thôi học để thi lại ngành khác dẫn đến lãng phí và có nguy cơ thất thoát kinh phí đào tạo. Các địa phương chưa quan tâm tới hình thức đặt hàng đào tạo nên nhà trường chỉ dựa trên chỉ tiêu nhu cầu xã hội do Bộ GD&ĐT thông báo.
Mặc dù Nghị định 60/2025/NĐ-CP đã điều chỉnh, bổ sung nhưng các địa phương cũng đang gặp khó khăn trong thu hồi kinh phí đối với sinh viên vi phạm cam kết. Một bộ phận sinh viên sau khi nhập học, qua một thời gian xác định ngành học không phù hợp, muốn bồi hoàn để thi tuyển lại vào ngành đào tạo giáo viên khác, nhưng gặp trở ngại trong việc bồi hoàn kinh phí do vướng thủ tục liên quan phức tạp.
Một trong những điều mà nhiều sinh viên sư phạm như Bùi Xuân Hoài trăn trở khi nhận chính sách hỗ trợ này thì phải có trách nhiệm phục vụ trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định. Thế nhưng, thực tế việc bố trí việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường vẫn còn bất cập ở một số địa phương. Sinh viên lo rằng, liệu mình có được sắp xếp công việc phù hợp hay không, nếu không có công việc đúng chuyên ngành thì nhiều khả năng buộc phải hoàn trả khoản hỗ trợ của Nhà nước.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Thoa, để từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116, Trường Đại học Sư phạm, ĐHH đang tăng cường truyền thông, tư vấn ngay từ khi quảng bá, tư vấn tuyển sinh, tuyên truyền đầu khóa học, phân công cán bộ chuyên trách theo dõi, phối hợp thực hiện tại các khoa và phòng ban. Nhà trường rà soát thường xuyên, cập nhật thông tin sinh viên để đảm bảo chi trả đúng tiến độ, hoàn thiện quy trình triển khai từ xét duyệt đến chi trả - cập nhật - thu hồi; định kỳ rà soát, đánh giá và cải tiến cách triển khai, quản lý và phối hợp giữa các bên liên quan trong việc thực hiện Nghị định 116.
Trường Đại học Sư phạm, ĐHH cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT cần ban hành hướng dẫn cụ thể về sinh viên cam kết hưởng chính sách theo Nghị định 116, nhưng có nguyện vọng chuyển ngành, chuyển trường; có biện pháp xây dựng hệ thống theo dõi thông tin sinh viên hưởng hỗ trợ, liên thông giữa cơ quan tài chính - nhà trường - địa phương để kiểm soát và xử lý. Đồng thời, cho phép bổ sung đăng ký chính sách đối với sinh viên đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký ban đầu, đảm bảo cấp kinh phí kịp thời cho các cơ sở đào tạo để tránh chậm chi trả. Định kỳ đánh giá, điều chỉnh chính sách sát với thực tiễn và nhu cầu nhân lực giáo viên ở từng địa phương. Ngành giáo dục và các địa phương cần quan tâm tạo điều kiện bố trí công tác phù hợp cho sinh viên sư phạm (được hưởng chính sách theo Nghị định 116) sau khi tốt nghiệp.
Bài, ảnh: Hoàng Triều
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/giao-duc/thao-go-vuong-mac-trong-thuc-hien-nghi-dinh-116-153025.html