Tháo gỡ vướng mắc trong vận hành, mua bán điện

Tháo gỡ vướng mắc trong vận hành, mua bán điện
3 giờ trướcBài gốc
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 7/11, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là nội dung được đông đảo cử tri, người dân và các đại biểu quan tâm vì điện lực là một ngành công nghiệp đầu vào của sản xuất, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, cũng như sự phát triển của đất nước. Bên lề kỳ họp sáng nay, phóng viên TTXVN đã có những trao đổi với các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng): Tạo sự an tâm cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư
Tôi nghĩ Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là cả một sự mong mỏi, tôi rất hoan nghênh việc sửa luật. Có thể thấy vai trò quan trọng của ngành điện lực trong thời gian vừa qua. Tôi đã đi khảo sát tại nhiều quốc gia và nhận ra rằng, Việt Nam là quốc gia có sự phát triển vượt bậc về điện lưới quốc gia. Mạng lưới điện quốc gia vươn tới nhiều vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Đó là niềm tự hào của ngành điện Việt Nam và cũng là thành quả từ đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước chăm lo an sinh, xã hội cho người dân.
Tôi lấy ví dụ, điện lưới 3 pha đã đến với các thôn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, đây là điều rất đáng tự hào. Bởi đầu tư cho một đường điện rất tốn kém, nhưng doanh nghiệp lại không thu được nhiều tiền điện ở vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Điều đó cho thấy, ngành điện phục vụ nhiệm vụ chính trị và an sinh xã hội rất tốt. Luật Điện lực (sửa đổi) lần này có nhiều câu chuyện đáng chú ý; trong đó có câu chuyện về xã hội hóa, ví dụ như đường dây truyền tải, nhà máy phát điện, đặc biệt là phát huy nhà máy sản xuất điện ở một thế hệ mới trong tương lai, để lan tỏa nhiều hơn, có giá thành thấp hơn, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn, đó là mong muốn của cử tri.
Tôi cho rằng Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã đáp ứng được một phần những mong muốn của cán bộ công nhân viên ngành điện và cử tri. Cử tri mong muốn sử dụng điện nhiều ở các thời điểm khác nhau, môi trường khác nhau và hoàn cảnh, địa bàn khác nhau, nhưng có giá tốt nhất.
Đối với ngành điện, việc sản xuất điện có hiệu quả, truyền tải điện cũng có hiệu quả và hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Tôi cho rằng tiến tới việc thực hiện Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ có nhiều ứng dụng. Cụ thể là ứng dụng số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý để ít tốn kém nhất, tiện lợi cho giao dịch giữa người dân với ngành điện lực.
Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã cải thiện được từng bước những vấn đề còn tồn đọng và chúng ta hoàn toàn có thể mơ ước đến việc ứng dụng công nghệ tối ưu nhất để sản xuất được nhiều điện, góp phần cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước.
Dự thảo luật đã đảm bảo thủ tục gắn gọn, thu hút nhà đầu tư với từng lĩnh vực điện, ví dụ như thủy điện, điện mặt trời, điện gió. Dự án luật sửa đổi lần này cũng tháo gỡ những vướng mắc trong việc vận hành, mua bán điện. Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tạo sự an tâm cho cơ quan quản lý điện năng, các nhà đầu tư trong thời gian tới. Việc có cơ chế rõ ràng, công khai, minh bạch sẽ tạo ra động lực phát triển.
Theo tôi, các đại biểu Quốc hội đã tham gia góp ý nhiều vào dư án Luật Điện lực (sửa đổi) lần này, cố gắng tạo được cơ chế để ngành điện phát huy hơn nữa hiệu quả, phục vụ cho nhân dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang): Xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân
Tôi vẫn có băn khoăn khi dự thảo Luật có nhiều chính sách lớn, nội dung phức tạp và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Do đó, tôi mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu vấn đề này.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Về chính sách phát triển điện hạt nhân, tôi cho rằng, đến thời điểm này nên xem lại. Luật sửa đổi lần này mở ra chủ trương để Chính phủ có cơ sở nghiên cứu, xây dựng phát triển các dự án điện hạt nhân. Vì đi cùng với chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, cần có điện nền để ổn định lưới điện. Do đó, phải tính đến điện hạt nhân.
Tham khảo một số nước phát triển trên thế giới, tỷ lệ điện hạt nhân trong cơ cấu điện quốc gia là rất lớn, chiếm đến 30-40% chứ không hề nhỏ. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, tôi cho rằng cần xem xét lại chính sách phát triển điện hạt nhân.
Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần báo cáo, giải trình để Quốc hội thấy rõ vì sao cần tiếp tục thực hiện chiến lược điện hạt nhân.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên): Cần chính sách ưu đãi cho dự án năng lượng tái tạo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa
Từ góc độ là đại biểu của tỉnh Điện Biên, tôi nhận thấy, hiện nay còn nhiều thôn, bản, một số đảo, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn chưa được sử dụng điện hoặc có điện nhưng không bảo đảm an toàn, những khu vực này đều có suất đầu tư rất cao, nhưng không có hiệu quả về kinh tế - tài chính.
Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cấp điện là một thách thức rất lớn, không khả thi nên tôi hoàn toàn đồng tình với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhất là những quy định về ưu tiên phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên). Ảnh: TTXVN
Các quy định về phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong dự thảo luật đã khá rõ ràng, từ việc yêu cầu bảo đảm cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ các nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; quy định các tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước, vốn tự có để đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã quy định cụ thể hỗ trợ đầu tư đường dây dẫn điện từ sau công tơ đến nơi sử dụng điện cho các đối tượng như hộ nghèo ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hộ gia đình có người dân tộc thiểu số cư trú ở thôn, xã đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) còn quy định rõ việc ưu tiên bố trí vốn đầu tư công ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nguồn, lưới điện cấp điện sinh hoạt, sản xuất cho các hộ dân; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng nguồn, lưới điện, kinh doanh cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, cần quy định rõ là khuyến khích như thế nào, bằng cách nào, quy trình, thủ tục ra sao, căn cứ lợi ích tổng thể của dự án.
Tôi đề nghị nghiên cứu quy định ưu tiên (so với các vùng, miền, địa phương khác) trong việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư của nhà nước, kể cả vốn tài trợ quốc tế từ chương trình chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) rõ ràng, cụ thể hơn cho các dự án điện ở khu vực còn nhiều khó khăn này.
Ngoài các dự án đầu tư tại thôn, xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt theo Luật Đầu tư bao gồm dự án đầu tư thủy điện, các nguồn điện nhỏ khác cấp điện cho các hộ dân, tôi đề nghị nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa với đa mục tiêu: Kinh tế, xã hội, môi trường, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời mái nhà và trên mặt nước, điện sinh khối... tự sản tự tiêu không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia phục vụ nhu cầu sản xuất kinh tế hộ, kinh tế trang trại, chế biến nông sản, sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước và công trình công cộng trên địa bàn.
Thực tế, hiện nay Việt Nam đã không cho xây mới nhà máy điện than chưa có trong quy hoạch, trong khi đó, thủy điện đã sử dụng gần hết tài nguyên, nhà máy điện khí chỉ được bố trí ở vùng duyên hải, ven biển thuận tiện cho logistics.
Do đó, chỉ còn điện gió, điện mặt trời cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt. Cùng với tiến bộ của khoa học công nghệ, nhất là với yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, kể cả hydrogen xanh mà Chính phủ đã ban hành chiến lược, tôi cho rằng cần phải làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn các chính sách này.
Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/thao-go-vuong-mac-trong-van-hanh-mua-ban-dien/352672.html