Tháo gỡ vướng mắc về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia

Tháo gỡ vướng mắc về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa ITN.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 22) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ GD&ĐT (chùm Thông tư 17 - 19).
Không khó để nhận ra điểm mới của Thông tư 22 là, cấp có thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia sẽ được chuyển cho giám đốc sở GD&ĐT. Cụ thể, Thông tư 22 đã sửa đổi, bổ sung về bộ tiêu chuẩn đánh giá để thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: Tiêu chuẩn quy định về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quy định về thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo phân cấp tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho giám đốc sở GD&ĐT và một số nội dung quy định khác.
Điều đó cho thấy, những quy định mới theo hướng thực hiện phân cấp mạnh từ Bộ GD&ĐT đến UBND tỉnh, sở GD&ĐT. Quy định này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước. Vậy nên, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 22 thể hiện sự nhất quán về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, hướng đến việc mang lại điều kiện dạy và học tập tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dân trí, nguồn lực để phát triển đất nước.
Đáng nói, khi Thông tư 22 được triển khai vào thực tiễn sẽ là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu; phấn đấu xây dựng đạt kiểm định, đạt chuẩn quốc gia; thực hiện cải tiến chất lượng liên tục và có hệ thống theo yêu cầu mới với mức độ cao hơn.
Thực tế cho thấy, sau 6 năm triển khai Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo số liệu thống kê từ 63 sở GD&ĐT, tính đến ngày 31/5/2024, toàn quốc có 60,9% trường mầm non, 65,9% trường tiểu học, 71,2% trường THCS, 54,8% trường THPT, 47,1% trường phổ thông có nhiều cấp học đạt kiểm định chất lượng giáo dục. Toàn quốc có 55,4% trường mầm non, 62,4% trường tiểu học, 67,3% trường THCS, 48,8% trường THPT, 44,3% trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, sau 6 năm ban hành, chùm Thông tư 17 - 19 đã phát sinh một số điểm không còn phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới và thực tiễn. Đó cũng là lý do để Bộ GD&ĐT quyết định ban hành Thông tư 22. Trong bối cảnh nhiều địa phương đã và đang thực hiện sáp nhập các trường học thành trường phổ thông có nhiều cấp học, Thông tư 22 sẽ là hành lang pháp lý, giúp công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Qua đó, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.
Song thiết nghĩ, bên cạnh việc phân cấp, phân quyền cho cơ sở, cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân cấp, phân quyền và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với trình độ quản lý, khả năng và điều kiện thực hiện phân cấp, phân quyền của mỗi vùng, miền, địa phương trong mỗi giai đoạn đối với từng ngành, lĩnh vực.
Hải Minh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/thao-go-vuong-mac-ve-cong-nhan-truong-dat-chuan-quoc-gia-post711983.html