Thảo luận ở Tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tham gia họp tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. Đa số các ĐBQH đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư công theo Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp phân quyền theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm 2021-2030; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của luật ĐTC năm 2019 và nhằm đáp ứng với thực tiễn về đầu tư công trong giai đoạn hiện nay.
Để hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, dự án Luật cần thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành để khắc phục tình trạng đầu tư kéo dài và giải ngân chậm; bổ sung thẩm quyền dự án đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư; quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác...
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đề cập về tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, về cơ bản dự án Luật đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, còn mộ số quy định còn chưa bảo đảm tính thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể như: Thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư công chưa có sự thống nhất với thời gian điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) tại Luật NSNN; quy định thẩm quyền của Quốc hội chưa thống nhất theo luật tổ chức Quốc hội; thẩm quyền phân bổ dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa phù hợp với hiến pháp… Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát các quy định tại dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất với các luật có liên quan...
Về tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với quy định này nhằm khắc phục tình trạng đầu tư kéo dài và giải ngân chậm. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tiến, cần quy định cụ thể về thời gian hoàn thành cho cả dự án giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng công trình hoặc dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, giai đoạn 2 thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Bổ sung thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp
Cho ý kiến thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án được quy định tại khoản 8, Điều 40 dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, Chính phủ quy định việc phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các cơ quan, đơn vị.
Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất triển khai thực hiện, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm vào dự thảo Luật nội dung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
Tại Khoản 2, Điều 67 dự thảo, quy định: Việc lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương, nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan.
Theo đại biểu Sùng A Lềnh, nội dung Điều 67 dự thảo quy định về trình tự, thủ tục lập, giao kế hoạch vốn tăng thu, tiết kiệm chi nguồn ngân sách trung ương và các nguồn vốn khác được Quốc hội quyết nghị cho chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, tại Khoản 2 lại quy định về việc lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương, nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sắp xếp soạn thảo lại cho phù hợp với nội dung Điều 67 dự án Luật.
Quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác
Về chi phí lập, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công (được quy định tại Điều 16), đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, Điều 16 dự án Luật quy định đa số sử dụng nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị để thực hiện các chi phí lập, thẩm định, theo dõi kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Tuy nhiên, việc quy định sử dụng nguồn chi thường xuyên có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác từ nguồn chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung này.
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Về thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công tại Điều 74 dự thảo Luật Đầu tư công, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị điều chỉnh, bổ sung như sau: “Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương”.
Khoản 8 (thẩm quyền của UBND các cấp), đại biểu Dương Văn Phước đề nghị điều chỉnh, bổ sung 02 nội dung, gồm: Điều chỉnh điểm b như sau: “Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với vốn ngân sách địa phương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý”; Bổ sung mới điểm c như sau: “Điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý”. Lý do điều chỉnh là để đẩy mạnh tăng cường phân cấp và tạo sự linh hoạt, chủ động trong việc điều hành kế hoạch và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH còn cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Theo đó, các đại biểu nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật với các lý do như đã nêu tại Tờ trình số 678/TTr-CP của Chính phủ để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5
Các ĐBQH tham dự Phiên họp Tổ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Phiên họp Tổ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long
Đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc./.
Bích Lan - Nghĩa Đức