Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội
11 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV
Dự thảo nghị quyết đã bổ sung trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thực hiện hiệu quả hoạt động của đại biểu, các hoạt động trong kỳ họp Quốc hội, thường xuyên tương tác với cử tri và kịp thời thông tin đến cử tri và nhân dân về hoạt động của đại biểu và Quốc hội tại kỳ họp”. Liên quan nội dung này, đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết tán thành quy định trên, nhất là trong bối cảnh, yêu cầu chuyển đổi số, tăng cường chuyển đổi phương thức hoạt động từ môi trường vật lý sang môi trường số. Tuy nhiên, trách nhiệm này mới chỉ gắn với đại biểu Quốc hội và chưa đầy đủ.
Về việc quy định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin chỉ đặt ra đối với đại biểu Quốc hội tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, theo đại biểu là còn chưa bao quát các cơ quan của Quốc hội. Đây mới là những chủ thể phải tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hoạt động trong điều kiện thời gian diễn ra kỳ họp rất ngắn: ví dụ như các ủy ban có thể họp trực tuyến; trực tuyến kết hợp họp tập trung trực tiếp hoặc thực hiện biểu quyết, lấy ý kiến thành viên ủy ban qua App…
Do đó, đại biểu đề nghị nên chuyển quy định này đặt tại điều khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và bao quát hơn. Ngoài ra, đề nghị bỏ cụm từ “trí tuệ nhân tạo” vì đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì đã bao gồm ứng dụng các công nghệ số chiến lược như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, chuỗi khối, thực tế ảo… và nhiều nội dung khác nữa. Việc nêu mỗi “trí tuệ nhân tạo” là chưa đầy đủ và bao quát.
Góp ý về chương trình kỳ họp Quốc hội, đại biểu Lê Hoàng Hải cho biết, dự thảo nghị quyết sửa đổi khoản 2, Điều 6 như sau: “Việc xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn; trong đó, ưu tiên bố trí bảo đảm thời gian để nghiên cứu, giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp; phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trước phiên chất vấn; các nội dung trong các lĩnh vực có liên quan được bố trí thời gian thảo luận gần nhau”.
Theo đại biểu, cách thể hiện như dự thảo có vẻ chưa mạch lạc vì các tiêu chí ưu tiên không đồng dạng. Tại Nội quy hiện hành đưa ra 3 thứ tự ưu tiên: thứ nhất là nội dung trình thông qua sẽ được bố trí trước nội dung trình Quốc hội cho ý kiến; thứ hai là nội dung thảo luận kinh tế - xã hội xếp trước nội dung chất vấn; thứ ba là các nội dung có liên quan đến nhau thì sắp xếp thảo luận gần nhau. Tức là đối tượng để ưu tiên là nội dung.
“Nhưng dự thảo nghị quyết thì đang thể hiện lẫn lộn giữa nội dung với thời gian mà đúng ra phải là “thời điểm” vì theo từ điển tiếng Việt, thời gian là “khoảng thời gian nhất định xét về mặt dài ngắn, nhanh chậm của nó” hoặc “khoảng thời gian trong đó một sự việc gì diễn ra từ đầu cho đến cuối”. Để mạch lạc thì có lẽ nên thiết kế khoản 2 thành các điểm a, b, c cho các ưu tiên để thuận tiện theo dõi" - đại biểu nêu ý kiến.
Thanh Hải (ghi)
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/thao-luan-ve-du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-noi-quy-ky-hop-quoc-hoi-3a85b90/