Tháo nút thắt cho cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết

Tháo nút thắt cho cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết
8 giờ trướcBài gốc
Ngày 14-5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã thảo luận về tuyến đường kết nối TP Phan Thiết với ga đường sắt tốc độ cao và nút giao liên thông cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Đây là bước đi chiến lược để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện tại, đồng thời tạo ra cơ hội lớn cho Phan Thiết phát triển.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trì thảo luận ngày 14-5. Ảnh TTD.
Tháo nút thắt, rút ngắn thời gian
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện các phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây từ hướng TP.HCM, Đồng Nai vào trung tâm Phan Thiết phải thông qua đường Quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh, sau đó tiếp tục lưu thông theo Quốc lộ 1 (khoảng 13 km). Từ khi cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đưa vào khai thác, khu vực nút giao Ba Bàu và nút giao vào Quốc lộ 1 thường xảy ra kẹt xe, ùn tắc giao thông, nhất là các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết.
Nút giao ra QL1A của cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh PN.
Đối với hướng lưu thông từ khu vực phía Bắc theo cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết hướng Khánh Hòa, Ninh Thuận vào trung tâm Phan Thiết phải thông qua đường Quốc lộ 28 với quy mô nhỏ hẹp (hai làn xe), thời gian di chuyển hơn 30 phút. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Điểm cuối cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo. Ảnh PN.
Để phát huy hiệu quả tuyến giao thông, tuyến đường kết nối từ đường bộ cao tốc đến trung tâm Phan Thiết sẽ được đầu tư đồng bộ với các đầu mối giao thông quan trọng như ga đường sắt tốc độ cao, đường Vành đai 2 và các tuyến đường ven biển. Việc hoàn thành tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho một Phan Thiết phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Cụ thể, tuyến đường kết nối từ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào đường Lê Duẩn (tại nút giao với đường Trường Chinh) cùng với đường Lê Duẩn, đường Nguyễn Tất Thành sẽ hình thành tuyến kết nối liên thông từ trung tâm Phan Thiết (theo hướng Đông - Tây) với các đầu mối giao thông đối ngoại quan trọng gồm: Đường bộ - cao tốc, ga đường sắt tốc độ cao, đường tránh Quốc lộ 1 qua Phan Thiết (đường Vành đai 2), đường Trường Chinh, bến xe tỉnh trong tương lai và đấu nối vào đường ven biển.
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm Phan Thiết lên các đầu mối giao thông quan trọng, mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, giúp tăng cường liên kết các tỉnh Đông Nam Bộ; miền Trung và Nam Trung Bộ.
4 dự án kết nối đường sắt tốc độ cao
Về phương án tuyến đường kết nối với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phạm vi nghiên cứu có điểm đầu (Km0+000) tại ngã tư đường Lê Duẩn với đường Trường Chinh (Quốc lộ 1A) thuộc phường Phú Tài, Phan Thiết; điểm cuối (Km11+200) giao với đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km225+160 thuộc xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc. Chiều dài nghiên cứu khoảng 12 km, trong đó đoạn tuyến đi qua Phan Thiết (dài khoảng 1km) và khu vực xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc (dài 11 km).
Sơ đồ kết nối đường sắt tốc độ cao qua Bình Thuận.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch có liên quan, UBND tỉnh đề xuất phương án đầu tư theo hướng tách thành 4 dự án độc lập, triển khai thực hiện đồng thời, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Cụ thể, dự án đầu tư đường từ ngã tư Lê Duẩn - Trường Chinh đến nút giao cao tốc và quỹ đất hai bên đường; dự án Đầu tư xây dựng khu tái định cư; dự án Đầu tư khu đô thị TOD (Transit Oriented Development, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư) và dự án Đầu tư xây dựng bến xe tỉnh.
Phối cảnh nhà ga đường sắt tốc độ cao qua Bình Thuận.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với chủ trương triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường kết nối Phan Thiết với ga đường sắt tốc độ cao và nút giao liên thông đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo đề xuất của Đảng ủy UBND tỉnh.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, hoàn chỉnh phương án đầu tư đối với dự án do UBND tỉnh trình, phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên tuyến đường mới.
Đối với tuyến đường mở mới cần lưu ý phát triển không gian đô thị đảm bảo theo hướng văn minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp; đồng thời phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên đường; quan tâm xác định lại các dự án thành phần có liên quan; cùng với đó, nghiên cứu cụ thể bố trí khu tái định cư đảm bảo khả thi và triển khai thực hiện nhanh nhất.
Ông Nguyễn Hoài Anh- Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Đường sắt tốc độ cao qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 156 km với hai ga hành khách.
Với xu hướng phát triển khu đô thị TOD, Phan Thiết không chỉ là trung tâm giao thông mà còn là đô thị thông minh, phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Sự kết hợp hoàn hảo giữa các hệ thống giao thông này sẽ tạo cơ hội mới cho việc phát triển công nghiệp, du lịch và các dịch vụ chất lượng cao.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào kết nối giao thông và hạ tầng, Phan Thiết đang dần trở thành một khu vực trọng điểm cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các dự án giao thông kết nối cao tốc và đường sắt tốc độ cao không chỉ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đây chính là động lực lớn để Phan Thiết không chỉ là một thành phố biển xinh đẹp mà còn là trung tâm phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ, nơi hội tụ của những cơ hội mới và tầm nhìn xa cho tương lai, sánh ngang với các đô thị hiện đại khác trong cả nước.
Dự án đường sắt tốc độ cao có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km đi qua địa phận 20 tỉnh, TP gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TPHCM. Tốc độ thiết kế 350 km/h; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỉ USD. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 156 km với hai ga hành khách là ga Phan Thiết và ga Phan Rí.
PHƯƠNG NAM
Nguồn PLO : https://plo.vn/thao-nut-that-cho-cao-toc-phan-thiet-dau-giay-va-vinh-hao-phan-thiet-post849831.html