THẤT NGHIỆP - NỖI LO KHÔNG CỦA RIÊNG AI
(Đăng báo Bình Phước, ngày 1-10-1997)
PHẠM VĂN VỌNG
Chỉ trong một ngày, Trung tâm Y tế huyện Bình Long phải tiếp nhận 2 ca uống thuốc rầy tự tử; Công an huyện phải giải quyết từ 1-3 vụ uống rượu gây rối trật tự an ninh… Vâng, những sự việc xảy ra như trên đều có nguyên nhân của nó!
Những đội quân không mời mà đến
3 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Bình Long bỗng xuất hiện những tấm quảng cáo: Tổ bốc xếp ông Năm, tổ bốc xếp Ba Râu… Mỗi tổ có từ 8-10 người, mà công việc chính của họ là chuyên bốc dỡ hàng cho các điểm bán vật liệu xây dựng. Nhưng tổ bốc xếp được coi là hùng hậu nhất vẫn là đội quân sinh sống xung quanh xí nghiệp Cơ khí - Chế biến của Công ty Cao su Bình Long, thuộc địa bàn xã Lợi Hưng. Từ nhiều tháng nay, do thị trường giá cả không ổn định nên xí nghiệp không xuất được mủ dẫn đến đội quân gần 100 hộ này chỉ biết nằm nhà chờ thời. Từ đó, cảnh đánh bài giải trí lẫn ăn tiền diễn ra thâu đêm, suốt sáng là chuyện bình thường.
Hết ngày này qua ngày khác, họ có thể chờ đợi từ sáng đến tối chỉ mong có xe đến xí nghiệp nhận hàng là họ ồ ạt kéo nhau vào. Anh Minh phụ trách tổ bốc xếp cho biết: Trước kia, mỗi khi có xe đến nhận hàng, phải chạy nơi này nơi khác kiếm người. Còn bây giờ phải “chọn mặt định việc”, thấy ai bộ dạng yếu đuối coi như bị loại. Nói thì vậy nhưng nhận người này mà bỏ người kia tức khắc sẽ có chuyện xảy ra, cho dù đó là trẻ em, hay phụ nữ. Chị Hà - một phụ nữ đã có thâm niên ở đây tâm sự với tôi: “Tôi biết, bốc xếp là công việc nặng nhọc đối với phụ nữ, nhưng vì…”. Chị không nói tiếp, tôi vẫn hiểu vì những năm trước (thời còn bao cấp), nhiều công nhân trong đó có chị đã tự nguyện bỏ việc ra ngoài làm mong có thu nhập cao hơn. Nào ngờ “đất chật người đông” dẫn đến nhiều người, nhiều gia đình rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Mùa nắng có người hái tiêu thuê, gánh đất mướn, mùa mưa thì chỉ biết cuốn gối ngồi nhà trông chờ vào tiền lương của chồng. “Thế bốc 1 xe mủ như vậy, chị được bao nhiêu?”. Tôi hỏi và được chị cho biết: trước còn được 3.500-4.000 đồng, còn bây giờ có tên trong danh sách bốc xếp đã là khó khăn.
Không có việc làm, chuyện gì sẽ xảy ra?
Bình Long hiện có 151.473 người (chưa tính tới số di dân tự do những tháng gần đây), chỉ tính riêng độ tuổi thanh niên từ 18-25 chiếm tới 30% dân số toàn huyện. Do vậy, vào mùa mưa tình trạng thất nghiệp cứ như một điệp khúc được lặp đi lặp lại. Giữa tháng 7 vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Bình Long phải cấp cứu 2 ca tự tử trong một ngày. Công an huyện có ngày phải giải quyết tới 3 vụ uống rượu gây rối an ninh trật tự. Và nghiêm trọng hơn là ngày 17-8 vừa qua, bệnh viện Bình Long phải tiếp nhận vợ chồng anh Nguyễn Văn B. nhà ở xã Tân Khai vào cấp cứu. Chỉ vì thiếu tiền nên vợ chồng đã “lời qua tiếng lại” và người vợ dùng dao chém chồng trọng thương. Sau đó, người vợ đã uống thuốc tự tử. Kết quả, vài chục ngàn đồng kiếm chẳng ra nhưng khi bừng tỉnh vẫn phải bấm bụng bán đất, bán vườn để trả nợ cho những ân nhân đã bỏ tiền cứu sống hai vợ chồng trong lúc “thập tử nhất sinh”.
Anh Tư Thọ - chủ đại lý kem ở thị trấn An Lộc cho biết: mùa nắng, đại lý của anh có thể giải quyết cho 40-50 thanh niên thất nghiệp có thu nhập nhưng mùa mưa chỉ có 1 hoặc 2 người đi bán, mà có đi cũng lại ế mang về. Vâng, chính kiểu làm ăn thời vụ: nắng thì bán kem, làm rẫy, hái tiêu thuê, phụ hồ… nên mùa mưa số lượng người thất nghiệp càng gia tăng. Các cơ quan chức năng phải đau đầu vì các tệ nạn nảy sinh: cờ bạc, trộm cắp, rượu chè, thậm chí mãi dâm, sau nữa là cảnh xô xát giữa “kẻ thắng người thua”. Khi được hỏi về các biện pháp nhằm ngăn chặn các tệ nạn xảy ra trên địa bàn huyện, anh Nguyễn Đức Hiển, đội trưởng đội Cảnh sát hình sự công an huyện Bình Long không khỏi băn khoăn: “Thanh niên uống rượu, phụ nữ đánh bài, đánh tứ sắc ăn tiền hầu như đã trở thành “nạn” ở nông thôn. Cho dù chúng tôi có dùng tới biện pháp tối ưu nhất là bắt giam, cuối cùng khi được tha về, họ vẫn “chứng nào tật ấy”. Bây giờ chỉ còn cách giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho họ có thu nhập”.
Ghé vào chợ Lợi Hưng, tôi được một tư thương cho xem cuốn sổ dày cộm ghi tên những “con nợ” ăn trước trả sau mà phát hoảng. Thì ra họ là những con người sống liền và làm ngày nào ăn ngày đó. Nếu không có việc họ lại đi vay với giá “cắt cổ” để bỏ vào miệng.
Đâu là giải pháp khả thi?
Sau khi tái lập tỉnh một thời gian, Trung tâm xúc tiến và giới thiệu việc làm của tỉnh đã có. Song, ai sẽ trúng tuyển vào các công ty, các khu công nghiệp và ai sẽ được giới thiệu việc làm, đó lại là những vấn đề cần bàn. Theo như bà Nguyễn Thị Kim, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết số người mù chữ trong tỉnh còn rất cao. Trong khi đó văn hóa là chìa khóa mở đầu, mà muốn được vào trường dạy nghề hoặc học nghề tối thiểu phải có trình độ cấp III. Được biết, tỉnh đang có chủ trương xây dựng 2 trung tâm dạy nghề để hướng nghiệp dạy nghề cho con em trong tỉnh, nhằm đón đầu nguồn nhân lực cho 2 khu công nghiệp ở Nam huyện Bình Long, Lộc Ninh và thị xã Đồng Xoài. Đây quả là dấu hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời cũng là bài toán khó đối với ngành giáo dục. Bởi cùng một lúc chưa thể đào tạo đồng loạt những người có đủ năng lực, trình độ tiếp cận với các thiết bị kỹ thuật mà phải đào tạo từng bước.
Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng “thất nghiệp” ngày một gia tăng như hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Bình Long nói riêng, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với con em những gia đình nghèo thuộc vùng sâu, vùng cao để các em có điều kiện đến trường. Có như vậy, Bình Phước mới giảm được tỷ lệ người mù chữ, nâng cao mặt bằng dân trí, đặc biệt rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị nhằm đưa Bình Phước cùng sánh vai với các tỉnh bạn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (!)