Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp sẽ được bảo lưu, cộng dồn để tính hưởng trợ cấp cho lần hưởng tiếp theo

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp sẽ được bảo lưu, cộng dồn để tính hưởng trợ cấp cho lần hưởng tiếp theo
5 giờ trướcBài gốc
Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Thu Hằng.
Ngày 22/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức chương tình Giao lưu trực tuyến với với chủ đề “Bảo hiểm xã hội - An tâm cho mọi gia đình”. Tại chương trình, các chuyên gia Bảo hiểm xã hội đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp được người lao động quan tâm.
Tại chương trình, một người lao động gửi câu hỏi đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết nghỉ việc được 3 tháng nhưng vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội. Thông qua cài đặt VssID - Bảo hiểm xã hội số, có thể tra cứu được quá trình đóng bảo hiểm của mình, tuy nhiên khi đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì bên bộ phận tiếp nhận hồ sơ không giải quyết vì không có sổ bảo hiểm xã hội.
Người lao động hỏi có thể sử dụng VssID để thay cho sổ bảo hiểm xã hội khi làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp trước, và hoàn trả chứng từ sau được không?
Phản hồi người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này (gồm: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng), đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp, khi có đủ các điều kiện sau đây:
Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.
Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc.
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.
Các chuyên gia Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp thắc mắc của người lao động. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Về hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, bao gồm:
Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực, hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc; Sổ bảo hiểm xã hội.
Đối với thời gian đóng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm quy định: Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục, hoặc không liên tục, được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật, mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định nêu trên, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nếu không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động sẽ được bảo lưu, cộng dồn để làm căn cứ tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo khi đáp ứng đủ điều kiện.
Cũng liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, một người lao động băn khoăn liệu có thể nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại nơi ở, không phải tại nơi làm việc được không.
Với nội dung này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm, và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định, cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương, nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, người lao động được quyền nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Nội vụ, nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp, không bắt buộc phải là nơi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến nay, trên cả nước, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 18,83 triệu người, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 17,078 triệu người; 1,754 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 15,367 triệu người, tăng 5,26% so với cùng kỳ năm trước.
Thu Hằng
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/thoi-gian-dong-bao-hiem-that-nghiep-chua-huong-tro-cap-se-duoc-bao-luu-cong-don-de-tinh-huong-tro-cap-cho-lan-huong-tiep-theo.htm