Thầy, cô giáo phải là tấm gương đạo đức

Thầy, cô giáo phải là tấm gương đạo đức
4 giờ trướcBài gốc
Người thầy không chỉ đơn thuần là người giảng dạy mà còn là người dẫn dắt, một người cha, người mẹ thứ hai. Một người thầy tốt không chỉ biết dạy chữ mà còn dạy học sinh làm người tốt, hướng các em đến những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Hầu hết thầy giáo, cô giáo luôn tận tâm với nghề với học trò. (Ảnh chụp tại Trường TH Đông Thới 1, xã Đông Thới huyện Cái Nước). Ảnh: Hằng My
Trong thực tế, chúng ta biết có rất nhiều tấm gương thầy cô giáo tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Họ không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng giúp đỡ học sinh vượt qua thử thách, tìm ra con đường đúng đắn cho tương lai. Họ thường dành thời gian ngoài giờ học để tư vấn, động viên và hỗ trợ học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và ấm áp.
Người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Những phẩm chất như sự tận tụy, lòng kiên nhẫn, sự công bằng và tình yêu thương chính là những giá trị đạo đức mà người thầy cần phải thể hiện. Hành động của họ và cách ứng xử hằng ngày sẽ là bài học quý giá cho các thế hệ học trò.
Người thầy ngoài vững vàng về chuyên môn cần có thêm sự sáng tạo. Chẳng hạn, một thầy giáo dạy toán không chỉ dạy về toán học mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trung thực trong học tập như những đáp án của bài toán không thể gian dối. Qua đó, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn hiểu được giá trị của đạo đức trong từng hành động của mình. Người thầy còn là biểu tượng của sự nhân nghĩa, luôn sẵn sàng giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để mọi học sinh đều có cơ hội phát triển. Họ không chỉ dạy cho học sinh biết sống tốt mà còn truyền tải những bài học về lòng nhân ái, sự chia sẻ và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội. Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Hiện nay, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường và sự thiếu trau dồi về tư tưởng, đạo đức của một số ít thầy giáo, cô giáo, lãnh đạo nhà trường đã làm tổn hại đến hình ảnh, đạo đức và nhân cách cao quý vốn có của người thầy trong lòng xã hội.
Những câu chuyện về cô giáo có hành động "thân mật" với nam học sinh ngay trong lớp học hay việc cô giáo vận động tiền phụ huynh để mua laptop với những phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức khi bị tố giác đã làm "nóng" diễn đàn mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận những ngày qua… Dù đó chỉ là số ít cá nhân tiêu cực được nêu ra, nhưng là hồi chuông báo động cho sự xuống cấp về mặt tư tưởng, đạo đức nhà giáo rất nghiêm trọng.
Học để làm người tốt đã khó thì việc giáo dục học sinh làm người tốt lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng phát động phong trào thi đua: "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo." Từ cuộc vận động đó, đã có hàng ngàn thầy cô giáo vượt qua khó khăn, thách thức, bám trường, bám lớp, tận tụy, hết lòng với nghề, với học sinh thân yêu, đặc biệt là những thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, ở những trường nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật… Ở đó, thầy, cô giáo chỉ có tấm lòng tận tụy yêu nghề, yêu trẻ để công hiến bằng cả trái tim.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Nhà giáo. Dự án luật này đang được xã hội rất quan tâm và kỳ vọng sẽ được xây dựng chất lượng, có những quy định cụ thể, chặt chẽ, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt của nhà giáo, trong đó đảm bảo thầy, cô giáo phải là chuẩn mực về đạo đức và hành vi trước học trò.
Trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ vào tất cả lĩnh vực trong đời sống xã hội, kể cả lực lượng nhà giáo, nếu thiếu những quy chuẩn cơ bản về chuẩn mực đạo đức, thiếu sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng thì dễ dẫn đến những sa ngã, tiêu cực, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức người thầy và chất lượng giáo dục. Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách, đạo đức làm người của các thế hệ học sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của xã hội.
Trong mỗi chúng ta, hình ảnh người thầy vẫn luôn sống mãi với những bài học quý giá mà họ đã dạy dỗ. Chính vì thế, thầy giáo, cô giáo không chỉ là những người truyền đạt kiến thức mà còn là người “thợ điêu khắc” những giá trị đạo đức vào tâm hồn mỗi học sinh. Để xây dựng một thế hệ tương lai tốt đẹp, thầy giáo, cô giáo nhất thiết phải là tấm gương chuẩn mực về đạo đức và hành vi trong xã hội./.
Nguyễn Ngọc
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/thay-co-giao-phai-la-tam-guong-dao-duc-a34900.html