Ông Trịnh Văn Cường - Hiệu trưởng Trường PTDTNT-THCS Mường Lát cho biết, khi chưa có Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, nhà trường vẫn tổ chức dạy ôn cho học sinh vào buổi chiều. Tuy nhiên, khi thông tư có hiệu lực, nhà trường đã dừng việc này.
“Trường có 57 học sinh khối 9, trong đó, 32 em thi vào lớp 10 của các trường THPT dân tộc nội trú Thanh Hóa. Những trường này đều lấy điểm cao nên các thầy cô đã tổ chức ôn, luyện thi miễn phí cho các em”, ông Cường cho biết.
Ngoài buổi học chính khóa, học sinh Trường PTDTNT-THCS Mường Lát được thầy cô giáo ôn, luyện thi miễn phí. Ảnh: CTV
Theo ông Cường, học sinh trường nội trú là đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10 của các trường THPT. Tuy nhiên, để vào được các trường cấp 3 nội trú của tỉnh, các em phải thi. Trong khi đó, mặt bằng chung, chất lượng học của học sinh nội trú không cao nên giáo viên trong trường phải bồi dưỡng thêm kiến thức.
“Đối với miền núi, việc học sinh tới trường đã là vấn đề khó, tổ chức dạy thêm lại càng khó hơn vì vậy thầy cô trên miền núi đăng ký dạy thêm là hiếm. Ban giám hiệu nhà trường cũng đang tính toán kinh phí chi cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ nguồn kinh phí đã cấp cho các đơn vị năm 2025; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có quy định mức chi tổ chức dạy thêm, học thêm để đảm bảo một phần công sức của các giáo viên”, ông Cường chia sẻ.
Ông Lê Sỹ Hiệu, Hiệu trưởng Trường PTDTNT-THCS Như Xuân cho biết, trước đây nhà trường dạy 2 buổi/ngày, buổi sáng dạy chính khóa, buổi chiều ôn luyện cho học sinh và có thu tiền.
Tuy nhiên, thực hiện Thông tư 29, nhà trường không thu tiền ôn luyện nữa, thay vào đó là dạy miễn phí các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh cho các em khối 9 để các em nắm vững kiến thức thi vào lớp 10.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, không chỉ các trường ở huyện Mường Lát, Như Xuân, tại các trường ở huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Bá thước, Lang Chánh… giáo viên cũng đang ôn thi miễn phí cho học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Trước đó, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng đã có hướng dẫn các trường chú trọng nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, hướng dẫn và giám sát việc tự học của học sinh để đạt hiệu quả; Khuyến khích học sinh tự nghiên cứu học tập thông qua các phần mềm, các video bài giảng, website ôn luyện...
Đối với trường không bố trí được nguồn kinh phí, động viên, khuyến khích giáo viên dạy bổ sung kiến thức, đáp ứng nguyện vọng của học sinh (nhất là học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt) nhưng không thu tiền.
Các trường điều chỉnh tiêu chí thi đua của nhà trường, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân dạy học và ôn luyện không thu tiền, hết lòng vì học sinh, đạt hiệu quả cao trong công tác giáo dục.
Lê Dương