Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh của Bộ GD&ĐT đang được lấy ý kiến. Nội dung nổi bật trong dự thảo đó là bãi bỏ hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học với học sinh vi phạm. Thay vào đó, chỉ còn 3 hình thức kỷ luật, gồm: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư 08 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông từ cách đây gần 40 năm (1988). Cần có hình thức kỷ luật phù hợp là ý kiến chung của phụ huynh và nhiều chuyên gia trước những đề xuất mới.
Là phụ huynh có con học lớp 9, anh Nguyễn Viết Khương (Đội Cấn, Ba Đình) cho biết: "Con tôi từng bị bạn bắt nạt ở trường, sau khi báo với cô chủ nhiệm sự việc, thì em học sinh có hành vi vi phạm đã phải viết bản kiểm điểm nhận lỗi.
Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau em học sinh nà vẫn tái phạm. Chỉ đến khi nhà trường mời phụ huynh lên trao đổi và viết cam kết quản lý chặt chẽ con em mình, sự việc mới được giải quyết".
Theo anh Khương ngoài học tập, học sinh còn nhiều hoạt động khác tại nhà trường, vì vậy, rất cần có hình thức kỷ luật phù hợp để giáo dục các em.
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng Bộ GD&ĐT.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng Bộ GD&ĐT cần hiểu rõ biện pháp giáo dục và mức độ kỷ luật để tránh nhầm lẫn.
Theo chuyên gia, dự thảo đưa ra viết bản kiểm điểm là một trong mức độ kỷ luật là chưa phù hợp. "Viết bản kiểm điểm là để học sinh tường trình, nhìn nhận lại những hành vi vi phạm của mình. Dù là lỗi lớn hay lỗi nhỏ đều phải viết kiểm điểm, đây không phải là mức kỷ luật có tính răn đe".
Ở đây, mục đích xây dựng các quy định về kỷ luật học sinh nhằm giáo dục, chứ không phải "đày ải" các em.
Ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: "Đối với học trò, trách nhiệm của chúng ta là giáo dục cho các em tuân thủ pháp luật. Kỷ luật làm sao để học sinh nhận thức được cái trách nhiệm của mình, từ đó, chuẩn bị trở thành những người công dân mẫu mực. Chứ không phải vì là ở tuổi vị thành niên nên được miễn trừ mọi thứ".
Dự thảo mới thể hiện tính nhân văn, hướng tới quan tâm, giáo dục học sinh, thay vì là những mức độ kỷ luật đuổi học 1 tuần hay đuổi học một năm như trước kia, vì trong nhà trường không có khái niệm đuổi học trò.
Cần có hình thức khen thưởng kỷ luật phù hợp nhân văn đối với học sinh (Ảnh: Hữu Thắng).
Mặc dù vậy, chuyên gia bày tỏ: "Các trường vẫn cần có hội đồng kỷ luật. Không đuổi nhưng cần mức độ kỷ luật phù hợp, trong đó, có thể đình chỉ học sinh từ 3-5 ngày tùy hành vi vi phạm. Đây là khoảng thời gian giáo dục, giúp các em suy nghĩ về lỗi sai và tự đưa ra biện pháp thay đổi".
Ông Nguyễn Tùng Lâm cũng chia sẻ 5 bước suy ngẫm, được thực hiện nhiều năm ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhằm giáo dục học sinh.
Cụ thể: Bước 1: Học sinh được trình bày sự việc đã làm của mình; Bước 2: Các em tự đánh giá hành vi đó tác hại như thế nào đến bản thân, bạn bè, tập thể, nhà trường và gia đình; Bước 3: Trình bày nguyên nhân dẫn đến sự việc; Bước 4: Học sinh có quyền biện hộ, giải thích những yếu tố tác động dẫn đến hành vi vi phạm; Cuối cùng chính các em tự đưa ra biện pháp sửa đổi, đề xuất người hỗ trợ, giúp đỡ.
Chia sẻ về dự thảo Thông tư mới, PGS.TS. Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết quy định lần này thể hiện rõ tinh thần của một nền giáo dục nhân văn. Thay vì nhấn mạnh vào kỷ luật, thông tư chú trọng đến việc khuyến khích, khen thưởng nhằm phòng ngừa và hạn chế hành vi sai lệch ngay từ đầu.
Dưới góc nhìn khoa học hành vi, ông cho rằng khi học sinh có hành vi sai, việc đầu tiên là giúp các em nhận thức rõ hành vi của mình, thứ hai là các em tự đánh giá hậu quả mà hành vi đó gây ra. Từ quá trình đó, chính học sinh là người lựa chọn và cam kết thực hiện hình thức kỷ luật phù hợp để bù đắp thiệt hại.
PGS.TS. Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.
Sau khi có cam kết, giáo viên và nhà trường sẽ đóng vai trò giám sát việc thực hiện, đảm bảo học sinh thực sự thay đổi hành vi một cách tích cực. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hình thức đuổi học cũng không còn, trừ những trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thay vào đó, họ sử dụng biện pháp như quản thúc tại trường, cho phép học sinh tiếp tục đến trường nhưng học theo một lộ trình đặc biệt với sự giám sát chặt chẽ.
Ở đây ông Nam đề xuất: "Thông tư cần bổ sung thêm hình thức phối hợp giám sát sau khi xử lý kỷ luật như trị liệu tâm lý, cam kết hành vi, hình thức giáo dục trị liệu để giúp các em thay đổi thái độ, hành vi một cách bền vững".
Trao đổi với Người Đưa Tin, Hiệu trưởng một trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đồng tình với quan điểm không đình chỉ học sinh, bởi điều này phù hợp với quyền trẻ em và xu thế phát triển.
"Nhiều nhà trường đã và đang áp dụng hình thức đình chỉ có phần tùy tiện. Hình phạt này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, chúng ta vô tình đẩy các em vào vùng nguy hiểm hơn, khi học sinh không được bảo vệ vòng ngoài", vị hiệu trưởng bày tỏ.
Nhà trường cần giúp học sinh tự đưa ra hình thực kỷ luật nếu vi phạm.
Góp ý cho dự thảo mới, để nâng cao cái kỷ cương, nề nếp vị này cho rằng cần có thêm hình thức xử lý vi phạm để rèn học sinh. Nếu mức cao nhất chỉ là tự viết bản kiểm điểm sẽ có hiện tượng các em "nhờn" kỷ luật.
"Nhà trường cần phải thông báo tới với gia đình, người bảo hộ, thậm chí là có yêu cầu phối hợp việc xử lý vi phạm. Hoạt động này lâu nay thì chúng ta vẫn làm nhưng không định quy định thành luật thì chưa nhấn mạnh tính trách nhiệm của gia đình", hiệu trưởng bày tỏ.
Ngoài ra, việc xử lý kỷ luật hay khen thưởng học sinh đúng và hiệu quả cũng rất cần kỹ năng sư phạm của thầy cô. Giáo viên giờ đây không chỉ là một nhà giáo dục, mà cần còn là một nhà tâm lý.
"Thầy cô nên có biện pháp phòng tránh vi phạm từ sớm. Cùng với đó, khi hành vi vi phạm xảy ra, chúng ta phải ứng xử với cái sư phạm để vừa đảm bảo tính kỷ cương, nhưng cũng nhân văn, tính bao dung, phù hợp. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức và năng lực tâm lý, sư phạm của mỗi thầy cô", vị hiệu trưởng cho hay.
Theo dự thảo Thông tư việc khen thưởng, kỷ luật dựa trên nguyên tắc chung là bảo đảm tính giáo dục, nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội đồng trường, Hiệu trưởng, giáo viên; bảo đảm sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh; thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trường trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Nguyễn Hoa Trà