Thay đổi tiêu chuẩn CSVC trường học: Gỡ khó cho trường đông học sinh

Thay đổi tiêu chuẩn CSVC trường học: Gỡ khó cho trường đông học sinh
18 giờ trướcBài gốc
Thông tư mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: INT
Cởi “nút thắt” về chuẩn cơ sở vật chất
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 23/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020). Bộ GD&ĐT đã bổ sung và điều chỉnh các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu theo hướng phù hợp với thực tế tại các địa phương. Thông tư số 23/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 31/1/2025.
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đồng tình với những điểm mới trong Thông tư số 23/2024 của Bộ GD&ĐT. Ví dụ, khoản 3 Điều 9 của thông tư quy định: Tổng diện tích khu đất xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2/học sinh; đối với các đô thị loại III trở lên cho phép bình quân tối thiểu 6m2/học sinh. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế.
“Trường THCS Chương Dương hiện có 1.000 học sinh nhưng diện tích chỉ rộng 980m2. Nếu trừ đi phần diện tích của cột, tường thì trường cần thêm ít nhất 3.000m2 nữa mới đủ sử dụng trong triển khai công tác giáo dục học sinh. Hoàn Kiếm là quận lõi của Thủ đô nên số trường có đủ diện tích đất/học sinh đạt chuẩn không nhiều. Việc hạ bớt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất sẽ giúp các trường thuận lợi hơn trong việc phấn đấu đạt chuẩn”, cô Hồng bày tỏ.
Thông tư số 23/2024 của Bộ GD&ĐT cũng quy định các hạng mục công trình cấp tiểu học, THCS và THPT phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng, tăng thêm 1 - 2 tầng so với quy định cũ. Bộ GD&ĐT cho phép trường học ghép các phòng bộ môn (Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Hóa học...) thay vì quy định mỗi bộ môn phải có tối thiểu 1 phòng như hiện nay.
Theo Hiệu trưởng trường tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội), những điểm mới của thông tư này giúp các trường có đông học sinh được “cởi nút thắt”. Diện tích đất của trường chỉ hơn 1.000m2 nhưng tổng sĩ số đã vượt ngưỡng 2.000 học sinh nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất, kỹ năng sống hay trải nghiệm phải vô cùng linh hoạt. Thậm chí, trường phải tận dụng sân chơi công cộng của phường để cho học sinh học Giáo dục thể chất.
“Khi Thông tư 23/2024 được áp dụng, chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư từ UBND quận để nhà trường bố trí đủ phòng học, phòng chức năng. Tùy vào thực tế, có thể ghép các phòng bộ môn với nhau như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng là hướng mở để thầy trò có thể tận dụng được không gian có hạn như hiện tại”, vị Hiệu trưởng chia sẻ thêm.
Cô trò Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) trong phòng thực hành Hóa học. Ảnh: TG
Chú trọng yếu tố an toàn
Đánh giá về Thông tư mới, cô Đặng Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Vân (Hải Hậu, Nam Định) cho rằng, Thông tư 23/2024 quy định trường mầm non tối đa 30 nhóm/lớp, tăng 10 nhóm/lớp so với hiện nay cũng phù hợp với thực tế, nhất là các khu vực đông dân cư hoặc đô thị lớn.
Tương tự, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết, những quy định về chuẩn cơ sở vật chất cho phép giảm diện tích bình quân/học sinh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường trong quy định đạt chuẩn về kiểm định; đặc biệt khi dân số tăng, quy định cho phép tăng sĩ số học sinh/lớp tại các nhà trường là hợp lý.
“Trên thực tế, khi quy mô học sinh tăng, nhất là ở các thành phố lớn, nhiều trường phải dạy học tại phòng học bộ môn. Tại một số trường, số học sinh đăng ký các môn học tự chọn ít, thậm chí không em nào chọn môn Âm nhạc, Mỹ thuật nên việc cho phép ghép phòng bộ môn sẽ tạo sự linh hoạt cho các nhà trường trong triển khai các hoạt động giáo dục”, cô Hằng Hải đánh giá.
Cũng theo cô Phan Thị Hằng Hải, Thông tư số 23/2024 của Bộ GD&ĐT được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong việc đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất của các trường học trên cả nước. Tuy nhiên, để thực hiện tốt Thông tư này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cơ sở giáo dục và tổ chức xã hội.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) nhìn nhận, việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường phổ thông được xây tối đa 5 tầng để phục vụ dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục, đảm bảo điều kiện cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng là cần thiết, nhưng yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra, quy định về độ cao của các công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học được Bộ GD&ĐT điều chỉnh, cho phép xây dựng cao hơn so với trước đây, tạo không gian rộng rãi và đa dạng hơn cho các hoạt động giáo dục. Thông tư cho phép tăng quy mô tối đa của các trường mầm non, trường phổ thông tạo điều kiện cho việc mở rộng các lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng.
“Bộ GD&ĐT cần có quy định rõ ràng, chi tiết về quy chuẩn an toàn cho một ngôi trường nếu xây cao 5 tầng về chiều cao lan can, lưới an toàn... Bộ phải đưa ra tiêu chuẩn, hướng dẫn thiết kế trường học an toàn và có cơ chế giám sát chặt chẽ chứ không phải để các trường muốn làm như thế nào thì làm”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh thêm.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, Thông tư mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh phát triển toàn diện. Các quy định về an toàn giúp đảm bảo môi trường học tập an toàn, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Việc tăng quy mô trường học và điều chỉnh độ cao công trình giúp đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng và tạo điều kiện cho việc phát triển các hoạt động giáo dục đa dạng.
Đình Tuệ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-tieu-chuan-csvc-truong-hoc-go-kho-cho-truong-dong-hoc-sinh-post713408.html