Trường Đại học (ĐH) Hà Nội phối hợp với ĐH Quốc gia Lào tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, ngày 30/10.
ThS Mouksikham Khemdy chia sẻ tham luận nghiên cứu với chủ đề Tiếng lóng trên mạng xã hội Tik Tok và Facebook của giới trẻ Hà Nội hiện nay.
Bà đưa vào khá nhiều tiếng lóng phổ biến hiện nay của giới trẻ để phân tích dưới góc độ cấu thành ngôn ngữ như: "bây ATM di động" được hiểu là bố mẹ, người cung cấp tiền chi tiêu, “bông an gọi” là người yêu gọi, “báo nhà” mà giới trẻ thường dùng để chỉ những người không lo làm mà chỉ lo chơi, gây sự cố, nợ nần và chỉ tìm về nhà để nhờ bố mẹ giúp đỡ, xử lý hậu quả.
ThS Mouksikham Khemdy phân tích những cách dùng tiếng lóng thú vị của giới trẻ.
Từ “ao trình” là cách nói lái của trình độ, “ao” là cách nói lái của từ “out” chỉ sự vượt qua giới hạn. Từ này mang hàm nghĩa chỉ một người có kĩ năng, trình độ vượt xa các đối thủ khác.
Dưới góc nhìn của nhà ngôn ngữ học, bà Mouksikham chỉ ra rằng, hiện nay, sự phát triển của tiếng lóng không chỉ dùng trong ngôn ngữ nói mà còn thể hiện cả trong ngôn ngữ viết. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0, tiếng lóng được sử dụng phổ biến để giao tiếp trên các phương tiện truyền thông xã hội như Instagram, Tik Tok, Facebook...
“Tôi đã nghiên cứu về Tiếng lóng trên mạng xã hội Tik Tok và Facebook của giới trẻ Hà Nội hiện nay nhằm tìm hiểu thế nào là tiếng lóng, quá trình hình thành và ý nghĩa của tiếng lóng nhằm góp phần định hướng giúp các bạn trẻ sử dụng tiếng lóng một cách đa dạng, phong phú nhưng vẫn đảm bảo được sự trong sáng của tiếng Việt”, bà Mouksikham chia sẻ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có nhiều cách tạo ra từ lóng khi sử dụng giao tiếp trên Tik Tok và Facebook, đồng thời chỉ ra đặc điểm tiếng, hệ thống tạo từ lóng của giới trẻ Hà Nội trên mạng xã hội được chia thành 2 quá trình chính: quá trình tạo từ lóng từ cách ghép từ và quá trình tạo từ lóng từ các tính năng đặc biệt khác.
Quá trình này có thể chia thành các loại: sử dụng từ lóng qua việc thay đổi chính tả, sử dụng tiếng lóng cử chỉ, sử dụng các từ bắt chước âm thanh tự nhiên và sử dụng ký hiệu và con số của việc sử dụng tiếng lóng trong giới trẻ hiện nay.
ThS Mouksikham khẳng định, tiếng lóng không phải hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu. Nếu sử dụng đúng mục đích, tiết chế thì tiếng lóng quả thực sẽ giúp giao tiếp trở nên bớt tẻ nhạt hơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và sử dụng sai hoàn cảnh sẽ khiến tiếng lóng trở nên lố lăng, tùy tiện, khó kiểm soát.
Vì vậy, cần định hướng giới trẻ giao tiếp theo chiều hướng tích cực, đúng cách, đúng nơi và đúng chuẩn. Có như vậy kho tàng ngôn ngữ của Việt Nam sẽ ngày càng phong phú và giàu đẹp hơn.
ThS Mouksikham Khemdy - Trưởng Khoa Tiếng Việt, Trường ĐH Ngôn ngữ, ĐH Quốc gia Lào - tốt nghiệp ĐH Quốc gia Lào ngành Việt Nam học, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nghiêm Huê