Đây không phải là bức tranh đầu tiên của thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh (Giáo viên Mỹ thuật, Trường THPT Hermann Gmeiner, TP. Vinh). Trước đó, thầy đã nổi tiếng với gần 500 bức tranh được vẽ trên bảng tuyệt đẹp như: Con rồng cháu tiên; Tác phẩm về Mẹ; Mừng Đảng mừng Xuân;...
Sau khi hoàn thiện và đăng tải lên mạng xã hội, tác phẩm tái hiện khoảnh khắc lịch sử của thầy giáo Nghệ An đã nhận về nhiều lượt yêu thích, bình luận từ học trò, khán giả, và các giáo viên khác.
Bức tranh tái hiện khoảnh khắc thiêng liêng khi chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập vào ngày 30.4.1975 (Ảnh: NVCC)
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, thầy Hạnh tâm sự đã mất nhiều thời gian nghiên cứu các tư liệu, thước phim lịch sử để hình dung rõ nét thời khắc trọng đại của dân tộc. Với thầy Hạnh, có hiểu, có yêu chủ thể của mình, tác giả mới tạo được một tác phẩm chân thực và ý nghĩa.
Toàn bộ bức tranh được vẽ bằng phấn màu với gam tươi sáng, đậm chất sử thi. Dưới bàn tay tài hoa của thầy Hạnh, khoảnh khắc huy hoàng của lịch sử gần như được tái hiện trọn vẹn. Hình ảnh xe tăng hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, hay các chiến sĩ Giải phóng quân nhanh nhẹn băng qua cánh cổng bị húc đổ... như được "sống dậy", gợi lên trong người xem nhiều cảm xúc.
Theo thầy Hạnh, phần khó nhất trong quá trình thực hiện chính là vẽ chiếc xe tăng. Chi tiết này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, dù là nét vẽ đơn giản nhất. Bên cạnh đó, chất liệu phấn cũng không hề dễ vẽ.
"Để vẽ bức tranh, tôi dùng một hộp phấn màu - loại phấn thuộc hạng rẻ nhất. Do hạn chế về màu sắc, tôi phải tự hòa trộn để tạo nên các gam màu sinh động. Loại phấn này cũng không thể lan màu như các chất liệu vẽ thông thường. Muốn tạo độ chuyển màu mềm mại, chủ yếu phải dựa vào kỹ thuật đánh bằng tay", thầy Hạnh bật mí.
Bức tranh được vẽ hoàn toàn bằng phấn màu trên bảng xanh (Ảnh: NVCC)
Vốn là cựu sinh viên ngành Hội họa của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, thầy Trí Hạnh đã kinh qua nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước hay màu bột. Tuy vậy, vẽ bằng phấn trên bảng xanh vẫn là trải nghiệm mới mẻ, và tương đối thử thách với thầy giáo trẻ.
"Tôi bắt đầu bén duyên với vẽ bằng phấn từ năm 2021. Để vẽ phấn, cần phải hiểu cơ bản về hình họa. Tiếp đến, phải biết kỹ thuật dùng phấn. Về màu sắc của phấn, ngoài màu gốc từ phấn còn do ánh sáng mà nên, do đó phải hiểu nguyên lý sáng tối mới tạo được hiệu ứng màu sắc hấp dẫn, thu hút người xem.
Đồng thời, trước khi vẽ, tác giả cần phải sắp xếp bố cục hình ảnh sao cho đúng, phù hợp với nội dung thể hiện. Đặc biệt, phải chú ý đến chất liệu bảng và phấn", Thầy Hạnh cho biết.
Trước đó, các tác phẩm của thầy Hạnh chủ yếu xoay quanh nhịp điệu văn hóa, đời sống của người Việt Nam. Từ những phiên chợ quê nhộn nhịp, cánh đồng lúa chín vàng đến những góc phố nhỏ quen thuộc... mỗi bức tranh đều truyền tải hơi thở mộc mạc của cuộc sống thường ngày.
Tác phẩm vẽ về Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: NVCC)
Một góc thường nhật của người nông dân qua tác phẩm của thầy Nguyễn Trí Hạnh (Ảnh: NVCC)
Dịp này, với bức tranh tái hiện khoảnh khắc lịch sử ngày 30.4, thầy Hạnh chọn bước ra khỏi các chủ đề quen thuộc để thử sức với đề tài mới về lịch sử. Điểm khó khi tái hiện lịch sử qua nghệ thuật, không chỉ đòi hỏi người họa sĩ cần độ chính xác cao; mà còn cần truyền tải được chiều sâu cảm xúc; tránh gò bó, rập khuôn.
"Tôi thực hiện bức tranh tái hiện khoảnh khắc lịch sử này không chỉ để chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, mà còn mong có thể giáo dục học sinh về truyền thống đấu tranh của dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay cần khắc ghi giá trị của độc lập, tự do và phấn đấu để tiếp tục bảo vệ, phát triển các thành quả cách mạng đó", thầy Trí Hạnh nhấn mạnh.
Trang Nhung