Thầy giáo trẻ Xuân Bách với cây đàn tính hơn trăm năm tuổi.
Lớn lên từ món quà văn hóa của quê hương
Thầy giáo Xuân Bách (sinh năm 1989) hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, sinh ra ở Lạng Sơn trong một gia đình dân tộc Nùng vốn có truyền thống yêu nghệ thuật. Có bà nội là nghệ nhân đàn tính, mẹ và anh trai là diễn viên đoàn nghệ thuật Lạng Sơn, từ nhỏ Xuân Bách đã được hít thở bầu không khí của những âm điệu dân ca núi rừng quê nhà.
Từ khi còn là học sinh phổ thông, anh đã tham gia trình diễn và đạt giải cao ở nhiều hội diễn dân ca của tỉnh cũng như khu vực. Tình yêu tự nhiên ấy dẫn anh đến với ngôi trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, không chỉ học tập mà còn được ở lại công tác, trở thành nghệ sĩ - giảng viên trẻ của nhà trường.
Bận rộn với việc giảng dạy lĩnh vực quản lí văn hóa, lại thường xuyên dành thời gian để truyền dạy nghệ thuật dân gian cũng như trình diễn then, nhưng bất kì lúc nào có thời gian rảnh, Xuân Bách lại đi sưu tầm, mua lại để giữ lấy các đồ vật cũ xưa. Trong căn phòng nhỏ của mình, thứ mà Xuân Bách quý nhất chính là bộ xà tích, chiếc mũ thầy then, đặc biệt là cây đàn tính đã hơn trăm tuổi - những món quà văn hóa luôn được nâng niu trân trọng.
Thầy giáo Xuân Bách trong một giờ dạy học nghệ thuật hát then cho sinh viên.
Xuân Bách giữ hai cây đàn tính gắn bó rất nhiều kỷ niệm. Một cây đàn được anh trai tặng năm 2003, đó là cây đàn đầu tiên của cuộc đời Xuân Bách, về sau đã theo anh đi biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc, bây giờ lại cùng anh trên bục giảng để truyền lại lửa nhiệt huyết cho các thế hệ sau. Còn cây đàn hơn trăm tuổi mà Xuân Bách đang sở hữu thực sự là một báu vật, mang nhiều ý niệm văn hóa, đó là cây đàn được chế tác vào năm Quý Mão 1903 của bà nội để lại cho anh.
“Tôi đang được sở hữu một cây đàn - một hiện vật văn hóa nhân văn vô cùng quý giá. Ấy cũng là món quà mà các thế hệ đi trước trao truyền lại cho tôi. Món quà đó cũng đưa ra một trách nhiệm của tôi đối với công việc mình đang làm, đó là phải tận tâm hơn thật nhiều” - Xuân Bách bồi hồi chia sẻ những điều mình vẫn tâm niệm trong suốt quá trình lên lớp, truyền dạy hay đi trình diễn.
Cây đàn đặc biệt đó còn theo Xuân Bách đến nhiều sân khấu trình diễn trên cả nước. Tháng 8 năm 2023, anh cùng với cây đàn cổ này đã đạt Huy chương Vàng trong “Hội diễn dân ca toàn quốc” tại Nghệ An. Với một nghệ nhân then, cây đàn tính không chỉ là phương tiện để thực hành nghề, mà hơn cả, nó là người bạn tâm giao để họ tự sự bằng cả tâm tình.
Việc tham gia trình diễn di sản then là sự học tập và trải nghiệm mang tính không ngừng, từ đó giúp người thầy giáo trẻ tích lũy thêm được những kinh nghiệm và kiến thức để truyền tải lại cho các thế hệ học trò. Ngược lại, những kỹ năng và nghiệp vụ từ việc giảng dạy giúp cho nghệ sĩ trẻ có những điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia biểu diễn.
Hành trình đưa hát then bay xa
Vào năm 2017, Viện Văn hóa thế giới (một tổ chức phi chính phủ tại Pháp) có kế hoạch tổ chức một cuộc trình diễn di sản then tại Paris (Cộng hòa Pháp). Thông qua sự giới thiệu của Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, họ đã kết nối và mời thầy Xuân Bách chủ động lên chương trình tham dự.
Khi đem một thực hành văn hóa dân gian ra khỏi không gian diễn xướng của nó để giới thiệu ở một sân khấu châu Âu, Xuân Bách nghĩ đến sự khác biệt về ngôn ngữ giao tiếp, ngôn ngữ nghệ thuật, về thị hiếu thưởng thức nghệ thuật, về lề lối, tác phong sân khấu và đặc biệt là sự khác biệt trong niềm tin tín ngưỡng, khiến cho người nghệ sĩ trẻ không khỏi băn khoăn.
Xuân Bách cùng đoàn nghệ nhân - nghệ sĩ Việt Nam trình diễn then ở Paris.
Tuy nhiên khi vào thực tế, những điều Xuân Bách lo lắng trở nên không còn quan trọng. Khán giả Pháp đón nhận các nghệ sĩ Việt Nam và “món quà văn hóa” mà đoàn đem đến một cách rất nhiệt thành.
“Ngay sau đêm diễn đầu tiên tại Paris, chúng tôi đã có một cuộc hội thảo nho nhỏ, chân tình và rất ấm cúng với khán giả Pháp. Ở trong cuộc hội thảo này, chúng tôi được nghe những tâm sự của khán giả đối với tình yêu di sản. Đồng thời, khán giả đã đưa đến cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi khá hay và sâu sắc về di sản then. Họ đến dự chương trình không phải chỉ đơn thuần là thưởng thức nghệ thuật mà còn đến với tâm thế nghiên cứu một cách rất nghiêm túc” - Xuân Bách hạnh phúc nhớ lại.
Với những ấn tượng sâu sắc để lại trong giới nghiên cứu và công chúng yêu văn hóa tại Pháp, cuối năm 2024, Xuân Bách một lần nữa được mời quay trở lại trình diễn then tại Pháp. Ngôn ngữ của nghệ thuật và ngôn ngữ của di sản đã vượt qua hết tất cả những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, niềm tin tín ngưỡng,… để cùng đưa tâm hồn của khán giả và các nghệ nhân, nghệ sỹ đến cùng một cái đích chung là chân - thiện - mỹ.
Phạm Vũ