Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết Nghị định 188/2025 vừa được ban hành đã bổ sung quy định mới về thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Phần lớn thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày người tham gia đóng phí
Theo đó, người tham gia có thể đăng ký cấp thẻ điện tử hoặc bản giấy thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng của cơ quan BHXH, trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc qua bưu điện.
Thẻ BHYT điện tử và bản giấy đều có giá trị pháp lý như nhau. Mỗi người tham gia được cấp một mã số BHYT duy nhất, dùng để đồng bộ thông tin với căn cước công dân, thuận tiện trong việc tra cứu và sử dụng.
Thẻ BHYT ghi rõ thông tin cá nhân, mức hưởng theo nhóm đối tượng, nơi khám chữa bệnh ban đầu, thời điểm có hiệu lực và thời gian tham gia đủ 5 năm liên tục (đối với người phải cùng chi trả viện phí).
Thông tin thẻ BHYT sẽ được tích hợp và đồng bộ theo mã số BHYT, số căn cước, tạo điều kiện thuận lợi trong tra cứu và sử dụng thẻ.
Phần lớn thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày người tham gia đóng phí. Tuy nhiên, với người tự đóng hoặc được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng mà là lần đầu tham gia, hoặc gián đoạn từ 90 ngày trở lên, thẻ sẽ có giá trị sau 30 ngày kể từ ngày đóng đủ.
Người hưởng trợ cấp thất nghiệp từ ngày bắt đầu hưởng trợ cấp; với trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng từ ngày sinh; người hiến mô, tạng có hiệu lực ngay sau khi hiến.
Với nhóm học sinh, sinh viên: Lớp 1: Từ 1-10 năm đầu tiểu học. Nếu trẻ sinh sau 30-9, tính từ ngày cuối tháng khi trẻ đủ 72 tháng tuổi.
Học sinh lớp 12: Từ 1-1 đến hết 30-9 năm học (khuyến khích đóng đến 31-12).
Sinh viên năm nhất: Từ ngày nhập học hoặc từ khi thẻ BHYT cũ hết hạn.
Sinh viên năm cuối: Từ 1-1 đến cuối tháng kết thúc khóa học (khuyến khích đóng đến 31-12).
Học sinh, sinh viên được hỗ trợ 50% mức đóng BHYT
Theo quy định từ ngày 1-7, học sinh, sinh viên được Nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng BHYT, do đó các em chỉ cần đóng tối đa 52.650 đồng/tháng, giảm hơn 21.000 đồng/tháng so với trước đây.
Học sinh, sinh viên được lựa chọn đóng BHYT định kỳ theo 3 phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng.
Số tiền tham gia BHYT của học sinh, sinh viên (sau khi đã trừ đi phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước), cụ thể như sau: Nếu học sinh, sinh viên đóng 3 tháng một lần, số tiền là 157.950 đồng, nếu đóng 6 tháng một lần, số tiền là 315.900 đồng, nếu đóng 9 tháng một lần, số tiền là 473.850 đồng và nếu đóng 12 tháng một lần, số tiền là: 631.800 đồng.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6-2025, toàn quốc có 12.617 cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh BHYT, với 2.703 cơ sở đầu mối ký hợp đồng.
Tổng cộng đã có 94.730.851 lượt khám, chữa bệnh BHYT, tăng hơn 6,5 triệu lượt so với cùng kỳ năm trước; với số chi BHYT hơn 76.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 52,43% dự toán chi khám, chữa bệnh trong năm. Trong đó, tháng 3 và tháng 4 là hai thời điểm có số chi cao nhất, lần lượt là 13.938 tỉ và 13.877,5 tỉ.
N.Dung