'Thẻ đen' thanh toán tích hợp 'tiền ảo' khiến 1.900 người bị lừa

'Thẻ đen' thanh toán tích hợp 'tiền ảo' khiến 1.900 người bị lừa
20 giờ trướcBài gốc
Chiếc thẻ “vạn năng”
Một đường dây lừa đảo qua đầu tư "tiền ảo" lên tới 2.000 tỷ đồng vừa bị Công an quận Cầu giấy và Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an thành phố (CATP) Hà Nội triệt phá. Bị hại trong vụ án lừa đảo này lên tới 1.900 người. Điều đáng nói, công cụ các đối tượng trong đường dây này dùng để lừa đảo chỉ là một chiếc thẻ visa thanh toán.
Tuy nhiên, theo lời khai của các đối tượng trong đường dây, họ cũng chưa được dùng chiếc thẻ quyền lực đó. Thậm chí còn không thể sử dụng. Các đối tượng khai nhận, công ty nước ngoài đã đăng tải video trực tiếp ghi lại cảnh dùng thẻ để thanh toán tại nhiều hệ thống siêu thị, một số đối tượng tại Việt Nam cũng được sử dụng để đăng tải video lên mạng xã hội. Mục đích muốn quảng cáo về khả năng chi tiêu thực tế của "đồng tiền ảo" (tiền kỹ thuật số - MPX), đồng thời công ty nước ngoài cam kết đưa đồng MPX lên sàn giao dịch quốc tế.
Với tấm thẻ visa này, các đối tượng sử dụng mua sắm tại thị trường Việt Nam và quảng cáo thẻ nạp tiền điện tử (XFI). Để có được tiền XFI tiêu dùng, nhà đầu tư phải mua 1 loại đồng tiền kỹ thuật số có tên MPX. Sau đó, dùng đồng MPX để đào ra đồng XFI.
Và một trong những chiêu trò mời chào nhà đầu tư "tiền ảo" của các đối tượng là thuyết phục nạn nhân với cái lợi trước mắt rằng có thể sử dụng "tiền ảo" để thanh toán, giao dịch thông qua những chiếc thẻ thần kỳ.
Chiếc thẻ được các đối tượng quảng bá là thẻ visa nạp "tiền ảo" XFI có thể thanh toán ở siêu thị, cửa hàng trên toàn thế giới, khiến không ít người tin tưởng để rồi rơi vào cái bẫy lừa đảo bỏ tiền thật mua "tiền ảo" với mong muốn đồng MPX "đào" được đồng XFI có giá trị. Thực chất, đây chỉ là chiêu dụ dỗ nhà đầu tư. Trên thực tế, "tiền ảo" không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chiếc thẻ thần kỳ được quảng cáo có thể thanh toán "tiền ảo" và chi tiêu trên toàn cầu
Lý giải về thủ đoạn lừa đảo trên, Thượng tá Cao Văn Thái - Phó trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, chiếc thẻ visa được in hình đồng "tiền ảo" để quảng cáo về khả năng thanh toán bằng "tiền ảo" của thẻ, nhưng thực chất chúng đã chuẩn bị thẻ thanh toán tiền, trong đó đã nạp sẵn đồng USD nên có thể thanh toán trên thế giới. “Các đối tượng đã tự làm ra những thẻ visa, trên thẻ này in đồng tiền XFI, là đồng tiền được đào ra và chúng quảng bá là có thể thanh toán trên toàn cầu. Tuy nhiên thực chất chính là thẻ thanh toán, trong đó có tiền USD có thể thanh toán được khi mua các sản phẩm, hàng hóa ở các siêu thị tại các nơi trên thế giới. Từ đồng MPX mà đào ra đồng XFI là không thể, mà các đối tượng đã chuẩn bị sẵn từ trước cho màn ảo thuật tài chính. Thực chất, đồng tiền MPX không thể đào ra được đồng XFI", Thượng tá Cao Văn Thái cho biết.
Chỉ là chiêu trò lừa bịp của tội phạm thời công nghệ
Cũng theo Thượng tá Cao Văn Thái, khi nhà đầu tư mua "tiền ảo" cũng rất khó khăn để rút ra khi cần tiền. Bởi lẽ các đối tượng lừa đảo chỉ cho rút một phần nhỏ và hứa hẹn sẽ rút toàn bộ khi đồng tiền tăng giá, nhưng trong thời gian rất dài. Còn trên thế giới, mặc dù có quốc gia đã cho phép sử dụng "tiền ảo" trong một số giao dịch nhất định, nhưng thực tế, rất ít quốc gia chấp nhận "tiền ảo" rộng rãi trong các hoạt động thương mại hàng ngày. Các dịch vụ có thể thanh toán bằng "tiền ảo" thường chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực và quy mô nhất định. Bên cạnh đó, việc chấp nhận thanh toán "tiền ảo" tại các quốc gia này thường đi kèm với nhiều quy định và điều kiện nghiêm ngặt, cũng như phải được cơ quan chức năng cấp phép.
Kẻ lừa đảo thường vẽ ra viễn cảnh rằng đầu tư "tiền ảo" không chỉ sinh lời trong tương lai mà còn giúp nhà đầu tư có thể dùng để tiêu xài ngay. Để xây dựng lòng tin, các đối tượng tung các video clip với hình ảnh những người giàu có, thành công sử dụng "tiền ảo" để tiêu xài xa xỉ ở nước ngoài. Điều này hấp dẫn nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức. Song thực chất, tất cả đều là dàn dựng.
Hiện nay, Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng khung pháp lý cho "tiền ảo". Song người dân muốn tham gia vào lĩnh vực này cần trang bị đầy đủ kiến thức để trở thành nhà đầu tư thực chất tham gia thị trường, chứ không phải trở thành "con mồi" cho các đối tượng lừa đảo.
Theo các chuyên gia tài chính, Việt Nam chưa công nhận "tiền ảo" là phương tiện thanh toán nên mọi giao dịch "tiền ảo" trên internet đều bất hợp pháp và có nguy cơ bị lừa đảo rất cao. Mong muốn làm giàu là hoàn toàn chính đáng, nhưng nếu làm giàu mà thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và bị lòng tham lấn át thì sẽ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.
Minh Khánh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/the-den-thanh-toan-tich-hop-tien-ao-khien-1900-nguoi-bi-lua-post607927.antd