Chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ, có thể thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Thế giới đã thay đổi ra sao từ năm 2020?
Bối cảnh địa chính trị toàn cầu đã có những chuyển biến rất lớn trong 4 năm kể từ khi ông Donald Trump rời nhiệm sở. Đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu từ tháng 2-2022, đã tác động sâu sắc đến cục diện an ninh châu Âu và trật tự quốc tế. Quan hệ Nga - Trung phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này, nổi lên như một trục địa chính trị mới.
Tập hợp lực lượng trên toàn cầu cũng có những điều chỉnh đáng kể. Các nước NATO đã tăng cường ngân sách quốc phòng, phản ánh nhận thức mới về an ninh tại châu Âu. Tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, việc hình thành AUKUS (thỏa thuận quốc phòng 3 bên Australia - Anh - Mỹ) và tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn, đã bổ sung thêm những yếu tố mới vào cấu trúc an ninh khu vực.
Đáng chú ý là xu hướng “phi rủi ro” (de-risking) và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, đã dẫn đến sự dịch chuyển đầu tư và thương mại theo hướng “Trung Quốc + 1” hoặc “khu vực hóa”. Xu hướng này cùng với việc các tập đoàn đa quốc gia ngày càng coi trọng tính ổn định của chuỗi cung ứng hơn là chi phí sản xuất thuần túy, đã tạo cơ hội phát triển mới cho các nền kinh tế Đông Nam Á trong cấu trúc kinh tế toàn cầu đang định hình lại.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn là tâm điểm của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, môi trường an ninh và kinh tế ngày càng phức tạp. Các vấn đề truyền thống như tranh chấp lãnh thổ tiếp tục đan xen với những thách thức mới, như cạnh tranh công nghệ và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Điều này đặt ra yêu cầu các quốc gia trong khu vực cần có những điều chỉnh chiến lược phù hợp để đảm bảo lợi ích quốc gia trong bối cảnh mới. Những thay đổi này phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trong trật tự quốc tế. Sự chuyển dịch từ một hệ thống đơn cực sang đa cực, với các mối quan hệ quyền lực ngày càng phức tạp và đan xen.
Các cường quốc không chỉ cạnh tranh về quân sự và địa chính trị truyền thống, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực mới như công nghệ, chuỗi cung ứng, và không gian số. Đặc biệt, ranh giới giữa an ninh và kinh tế ngày càng trở nên mờ nhạt, khiến các quốc gia phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc hoạch định chính sách đối ngoại.
Viễn cảnh chính sách đối ngoại Trump 2.0
Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, sẽ phải đối mặt với một thế giới phức tạp hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2020. Mặc dù các nguyên tắc cốt lõi có thể được duy trì, nhưng nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh để phản ánh những thực tế địa chính trị mới, và có thể sẽ toàn diện hơn.
Không chỉ tập trung vào thâm hụt thương mại mà còn bao gồm cả những vấn đề như an ninh công nghệ, chuỗi cung ứng… Với vị thế kinh tế tương đối mạnh hơn của Mỹ và mạng lưới đồng minh được củng cố, ông Trump có nhiều công cụ hơn để theo đuổi chính sách này.
Về xung đột Ukraine, mặc dù ông Trump tuyên bố có thể “đạt được thỏa thuận hòa bình trong vòng 24 giờ”, thực tế địa chính trị phức tạp hơn nhiều. Với việc châu Âu đã tăng cường đáng kể năng lực quốc phòng và cam kết hỗ trợ Ukraine, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phải cân nhắc đến lợi ích của các đồng minh NATO.
Tuy nhiên, ông Trump có thể tận dụng vị thế của Mỹ như một cường quốc năng lượng để tạo áp lực, buộc Ukraine phải bước vào đàm phán sớm hơn, thúc đẩy việc chấm dứt cuộc chiến này.
Tại Trung Đông, chính sách của ông Trump có thể sẽ tập trung vào việc kiềm chế Iran, và tái khởi động việc đàm phán các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng.
Khác với chính quyền Tổng thống Biden, ông Trump nhiều khả năng sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn các hoạt động quân sự của Israel, và có thể thúc đẩy một chiến dịch quyết liệt hơn chống lại các lực lượng được Iran hậu thuẫn trong khu vực.
Đáng chú ý, khả năng ông Trump sẽ theo đuổi một chiến lược răn đe mạnh mẽ hơn đối với các đối thủ của Mỹ. Kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, phản ánh nhận thức về một môi trường an ninh cạnh tranh gay gắt hơn. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc gia tăng can dự quân sự trực tiếp của Mỹ vào các xung đột khu vực.
Nhìn tổng thể, chính sách đối ngoại Trump 2.0 có thể sẽ quyết liệt và được triển khai một cách có hệ thống, mạch lạc hơn so với nhiệm kỳ đầu. Những thay đổi trong cục diện quốc tế đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn, vượt ra ngoài các phản ứng đơn lẻ với từng vấn đề.
Trong khi vẫn duy trì tính đối đầu trong một số lĩnh vực, đặc biệt là với các quốc gia cạnh tranh chiến lược, chính quyền Tổng thống Trump có thể sẽ linh hoạt hơn trong việc xây dựng liên minh và tận dụng các công cụ đối ngoại sẵn có.
Những hàm ý đối với Việt Nam
Trên bình diện kinh tế, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu có thể mở ra những cơ hội mới cho khu vực. Các nền kinh tế có nền tảng công nghiệp vững chắc, nguồn nhân lực chất lượng cao và môi trường đầu tư ổn định, sẽ có lợi thế trong việc đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Đặc biệt, chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ, có thể thúc đẩy việc hình thành các trung tâm sản xuất mới trong khu vực, tạo điều kiện cho việc nâng cấp công nghiệp và phát triển các ngành công nghệ cao.
Trong lĩnh vực an ninh hàng hải, Washington nhiều khả năng sẽ tăng cường các hoạt động tự do hàng hải (FONOP), đồng thời đẩy mạnh hợp tác an ninh - quốc phòng với các quốc gia ven biển.
Điều này phản ánh nhận thức về tầm quan trọng chiến lược của các tuyến đường biển trong khu vực đối với lợi ích của Mỹ và đồng minh. Thách thức lớn nhất đối với các nước trong khu vực vẫn sẽ là duy trì được không gian chiến lược tương đối độc lập trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh của chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đa phương hóa, đa dạng hóa và mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều đối tác nhằm nâng cao vị thế và tiềm lực quốc gia, từ đó thích ứng tốt hơn trước những biến động khó lường của môi trường quốc tế trong thời gian tới.
Việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ trong thời gian tới sẽ có ý nghĩa quan trọng.
Các nước nhỏ hơn sẽ đứng trước những lựa chọn khó khăn trong cả quan hệ kinh tế lẫn an ninh, do đó đòi hỏi khả năng cân bằng khéo léo giữa các mối quan hệ đối tác, đồng thời duy trì được tính độc lập, tự chủ trong chính sách đối ngoại.
TS. NGÔ DI LÂN, Tiến sĩ ngành Quan hệ quốc tế Đại học Brandeis, Mỹ. Hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu Chiến lược ngoại giao - Học viện Ngoại giao (thuộc Bộ Ngoại giao).