Sự kiện này cũng có thể xem là điểm kết đầy tính cô đọng, đối với 12 tháng chất chứa quá nhiều sự kiện mang tính bản lề dành cho thời cuộc vừa khép lại.
Sấm chớp và dông bão
Xung quanh việc quân nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS) tiến vào thủ đô Damascus của Syria “như chỗ không người” là rất nhiều câu hỏi bật lên từ các nhà phân tích: HTS liệu có trở thành một Taliban mới hay không? Vì sao phương Tây - vốn hầu hết đều liệt HTS vào danh sách các tổ chức khủng bố - lại nhanh chóng thừa nhận “chính danh” của nhóm vũ trang Hồi giáo ấy?
Nếu quân đội Nga phải triệt thoái khỏi căn cứ hải quân duy nhất của họ tại Địa Trung Hải là thành phố cảng Tartus, cũng như căn cứ không quân Hmeimim ở tỉnh Latakia (đều nằm trên lãnh thổ Syria), điều đó sẽ tạo nên những hậu quả gì? Israel sẽ tận dụng cơ hội này triệt để đến mức nào để củng cố ưu thế tuyệt đối mà họ đã giành được, trước các lực lượng đối kháng Hamas và Hezbollah? Iran sẽ phản ứng như thế nào để bảo vệ chính mình, trong bối cảnh đồng minh thân thiết là nhà Assad đã đánh mất quyền lực? Và, hơn cả, liệu những khoảng trống quyền lực ở Syria có tạo điều kiện cho Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy một lần nữa hay không?
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump - nhân vật của năm được Time bình chọn.
Câu trả lời cho tất cả những nghi vấn này đều sẽ chỉ dần hé lộ trong năm 2025. Sự chồng chéo trong thế cài răng lược của quá nhiều nhóm lợi ích, cả đối kháng lẫn song trùng, đang khiến mọi kết luận đều có thể dễ dàng trở thành võ đoán, thậm chí “rơi vào thế việt vị”. Các trung tâm quyền lực toàn cầu, cả công khai lẫn giấu mặt (như thế lực Deep State/Nhà nước ngầm mà Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Jr Kennedy từng xác nhận hiện hữu, khi ông “đổi phe” ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024) đều vẫn đang toan tính những nước cờ tiếp nối, để khiến mọi diễn biến bất ngờ có thể đột ngột xuất hiện bất cứ lúc nào.
Đơn cử, trừ các nhân vật cao cấp và giới tình báo, khó ai tưởng tượng được rằng, trong khi đang gặp rất nhiều khó khăn ở mặt trận Donbas, quân đội Ukraine lại lựa chọn dồn sinh lực để tiến công vào khu vực Kursk trong lãnh thổ Nga, từ tháng 8/2024 đến nay. Và, ngược với tính toán của Kiev, quân đội Nga không mắc bẫy “vây Ngụy cứu Triệu”, mà còn đẩy nhanh gấp bội tốc độ tiến quân ở miền Đông Ukraine.
BRICS đã thực sự trở thành đối trọng của G7.
Chỉ còn 2 tháng nữa, cuộc xung đột quân sự lớn nhất tại châu Âu, kể từ sau Thế chiến 2 này sẽ chạm mốc tròn 3 năm. Tình hình chiến sự ở Trung Đông cũng đã bước sang năm thứ hai và đang hứa hẹn sẽ còn khốc liệt hơn, cướp đi nhiều sinh mạng hơn nữa, sau khi Israel công khai bày tỏ ý định chính thức sáp nhập Cao nguyên Golan (vốn là lãnh thổ chiếm đóng của Syria), Bờ Tây và nắm quyền kiểm soát cả Dải Gaza - nghĩa là gần như khai tử “giải pháp hai nhà nước” dành cho người Palestine (vốn đã có tới 44.786 thường dân thiệt mạng, theo số liệu tính đến ngày 10/12/2024 của UNRWA và hàng trăm nghìn người lâm cảnh cùng đường).
Trung Đông đã chính thức khoác lên mình hình hài của một thảm kịch nhân đạo mới, trong những lời kêu gọi ngừng bắn tạm thời, nhằm mở các hành lang cứu trợ ở cả Gaza, Bờ Tây lẫn Lebanon mà Liên hợp quốc liên tục đưa ra, nhưng hầu như không được đếm xỉa. Song, đừng quên, ở châu Phi, xung đột và chiến tranh cũng đã và đang tạo nên không ít thảm họa khác, từ trước năm 2024, điển hình như Sudan - nơi có 10.000 người phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày để đi lánh nạn.
Tất cả đều nhìn về Nhà Trắng
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khái quát, có thể tóm lược tất cả những gì đã và đang diễn ra trên hoàn cầu một cách vắn tắt: Tiến trình tái định hình một trật tự thế giới mới đa cực, thay thế trật tự thế giới đơn cực đã tồn tại từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mà trong đó Mỹ cùng phương Tây nắm quyền lãnh đạo. Trên tiến trình này, tất cả các bên tham gia đều cố gắng giành ưu thế bằng mọi giá, ở cả tầm mức khu vực lẫn quốc tế. Xét cho cùng, các điểm nóng xung đột quân sự cũng chỉ là một bộ phận cấu thành của những cuộc đọ sức toàn diện, bao gồm cả kinh tế lẫn ngoại giao - chính trị.
Không phải ngẫu nhiên, ngày 12/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được Tạp chí Time danh tiếng bình chọn là “Nhân vật của năm 2024”, với “một cuộc trở lại lịch sử” và được kỳ vọng sẽ “tái định hình thế giới”. Nước Mỹ, hiện tại, vẫn là siêu cường số 1 hành tinh, về tất cả các phương diện tổng hợp, và do đó, mọi biến động tại thượng tầng chính trị Washington đều có thể tạo nên những “hiệu ứng cánh bướm”, lan tỏa đến mọi ngóc ngách của thế giới.
Ông Donald Trump, cùng đảng Cộng hòa, đã chiến thắng vang dội khi làm chủ cả lưỡng viện Quốc hội, trong một cuộc bầu cử tưởng chừng sẽ gây chia rẽ nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ. Qua hai lần bị ám sát, trong đó có một lần chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, ông đã làm lu mờ các đối thủ - từ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đến nữ ứng viên Kamala Harris của đảng Dân chủ - bằng một hình ảnh mang màu sắc “siêu anh hùng” Hollywood, trong mắt không ít cử tri Mỹ. Nhưng, điều quan trọng nhất giúp ông chiến thắng lại là cách ông nhấn mạnh về chuyện nâng cao các lợi ích kinh tế thiết thực và sát sườn cho công dân Mỹ (như chuyển những mắt xích tạo nên nhiều thặng dư nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu về Mỹ), chứ không phải là những lời kêu gọi chung chung.
Ngay từ khi các cuộc vận động bầu cử được kích hoạt đầu năm 2024, quan điểm và lập trường của ông Donald Trump, kể cả ngoại giao lẫn nội trị, đã hoàn toàn khác biệt so với cương lĩnh phía đảng Dân chủ. Cũng vì vậy, mọi sự trì hoãn hay đẩy nhanh các hành động từ Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga, Ukraine hay các quốc gia Trung Đông, và cả một dải Tây Thái Bình Dương, đều phục vụ những tính toán hướng tới “bước ngoặt” 20-1-2025 – ngày ông Trump chính thức tiếp nhận cương vị Tổng thống Mỹ thứ 47. Ông không giấu diếm mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và công khai hướng đến việc kết thúc cuộc xung đột theo cách mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy rất khó chấp nhận (trước mắt là cắt viện trợ quân sự). Bởi vậy, người ta thấy, trong những ngày cuối tại vị, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden làm mọi cách để viện trợ Ukraine và Kiev cũng không ngại ngần đẩy cao các hành động tấn công vào sâu lãnh thổ Nga.
Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump khiến mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa hai bờ Đại Tây Dương trở nên băng giá, bằng việc đòi hỏi họ phải đóng góp nhiều hơn nữa vào ngân sách quốc phòng chung. Cùng thời gian ấy, ông đẩy mạnh “thương chiến Mỹ - Trung” và dồn ép Iran một cách khắc nghiệt nhất có thể, trong khi mở đường cho Israel thoát khỏi thế cô lập, với các hiệp định Abrahams (bình thường hóa quan hệ với một số nước láng giềng Hồi giáo). Sau một năm phấp phỏng, những kịch bản u ám nhất đã trở thành hiện thực, với cả EU đang chứng kiến sự hỗn loạn trong các cấu trúc chính trị - kinh tế - xã hội (ở cả hai cường quốc đầu tàu là Pháp và Đức) lẫn những quốc gia thù địch. Trung Quốc, sau 4 năm tương đối thoải mái “dương oai diễu võ” tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (nhất là ở Biển Đông và biển Hoa Đông gần đây), có lẽ sẽ lại thấy Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ hiện diện thường xuyên hơn, song song với những hàng rào thuế quan khắc nghiệt siết chặt.
Bối cảnh đó khiến những mục tiêu mà Moscow cũng như nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đặt ra có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. BRICS, xét cho cùng, chính là biểu hiện mạnh mẽ và cụ thể nhất của xu thế đa cực - đa phương hóa tất yếu. Song, những quốc gia thành viên như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil lại có những cách tiếp cận khác nhau, về một số vấn đề then chốt, liên quan tới các lợi ích riêng (được tiêu chí của nhóm bảo vệ). Do đó, tuy vẫn đại diện cho sự vươn dậy của Nam bán cầu, cũng như trở thành đối trọng của nhóm Các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) và đã mở rộng quy mô thành viên kể từ đầu năm 2024, BRICS vẫn đang chờ đợi để ứng phó những quyết định sẽ được đưa ra từ Nhà Trắng đầu năm tới, nhằm tranh đấu hiệu quả hơn trên mặt trận kinh tế quốc tế.
Với tình hình kinh tế chung vẫn còn bị bao phủ bởi suy thoái, lạm phát, chi phí tăng, lãi suất cao... như hiện tại, thế giới - vừa trải qua năm 2024 được đánh giá là năm đạt nền nhiệt cao nhất trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - sẽ còn chật vật hơn trên hành trình ngăn chặn biến đổi khí hậu, để bảo vệ sự sinh tồn của nhân loại. Một năm qua, những cụm từ trước đây xa lạ như “mất an ninh lương thực” hay “bảo vệ an toàn nguồn nước” hoặc thậm chí là “sự suy thoái tài nguyên đất” đã dần trở nên quen thuộc hơn rất nhiều. Cộng hưởng với chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, thiên tai, chúng hoàn toàn có thể tạo nên đói nghèo, tình trạng chênh lệch, để tái khởi những cái vòng luẩn quẩn u ám: Mâu thuẫn, thù hận, xung đột, chiến tranh...
Đông Phong