Quốc gia trung gian Qatar tuyên bố rằng Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao đổi con tin Israel lấy tù nhân Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1.
Người thân và người ủng hộ các con tin bị bắt giữ ở Dải Gaza tập trung bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, ngày 14/1. Ảnh: GI/Xinhua
Dưới đây là một số phản ứng chính từ khắp nơi trên thế giới về thông báo về thỏa thuận ngừng bắn.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Ông Guterres chia sẻ với báo giới rằng Liên hợp quốc sẵn sàng ủng hộ thỏa thuận và "mở rộng hoạt động cung cấp cứu trợ nhân đạo bền vững cho vô số người Palestine vẫn đang phải chịu đựng".
Tổng thống Mỹ
"Cuộc chiến ở Gaza sẽ sớm chấm dứt và các con tin sẽ sớm được trở về nhà với gia đình", Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng.
"Chúng ta có một thỏa thuận cho các con tin ở Trung Đông. Họ sẽ sớm được thả. Cảm ơn!", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump viết trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan
Ông Fidan nói với các phóng viên tại Ankara rằng thỏa thuận ngừng bắn là một bước quan trọng cho sự ổn định của khu vực. Ông cũng cho biết những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine sẽ tiếp tục.
Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani
Thủ tướng kêu gọi bình tĩnh ở Dải Gaza từ nay cho đến ngày 19/1, khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Trong bài đăng trên X, ông cho biết thỏa thuận này "chỉ là một bước tiến", đồng thời nói thêm "chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi mọi điều khoản của thỏa thuận được áp dụng, cho đến khi chúng tôi đạt được hòa bình và có thể lật sang trang cuối của chiến tranh".
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi
Trong bài đăng trên X, ông el-Sisi hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza.
Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf
Ông Ghalibaf cho biết trong một bài đăng trên X rằng "cuộc kháng chiến dũng cảm của người Palestine" đã ngăn cản "thực thể Zionist" (Do Thái) đạt được "mục tiêu chiến lược" của mình. Ông nói rằng thế giới nên "trừng phạt chế độ tội phạm" và "chữa lành vết thương của người dân Palestine".
Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út
Bộ này kêu gọi cam kết "chấm dứt hành động tấn công của Israel vào Gaza" và "rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi dải đất này và toàn bộ vùng đất của người Palestine và người Ả Rập…"
Bộ trưởng Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Ông Sheikh Abdullah bin Zayed bin Sultan Al Nahyan nhấn mạnh "tầm quan trọng là cả Israel và Hamas đều phải tuân thủ các cam kết nhằm chấm dứt sự đau khổ của các tù nhân Palestine và con tin Israel".
Bộ Ngoại giao Pakistan
Bộ này đã ra tuyên bố kêu gọi "thực hiện ngay lập tức và đầy đủ" thỏa thuận ngừng bắn, bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ dẫn đến chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch. "Những kế hoạch bành trướng của Israel đã làm mất ổn định toàn bộ khu vực", tuyên bố cho biết.
Lực lượng Houthi ở Yemen
Mohammed Abdulsalam, người phát ngôn của lực lượng, cho biết: "Chúng tôi ca ngợi sức phục hồi lịch sử và huyền thoại của Gaza trước sự tấn công dữ dội nhất của Israel đối với người dân Palestine bị áp bức. Với việc tiếp tục chiếm đóng Palestine, (Israel) đại diện cho mối đe dọa đối với an ninh và sự ổn định của khu vực".
Nam Phi
Nam Phi kêu gọi "một nền hòa bình công bằng và lâu dài đảm bảo quyền con người của cả người Palestine và người Israel được bảo vệ và thúc đẩy" sau "15 tháng Israel tấn công diệt chủng vào Gaza".
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen
Bà Von der Leyen "nồng nhiệt" hoan nghênh tin tức về thỏa thuận ngừng bắn. Bà cho biết "con tin sẽ được đoàn tụ với người thân và viện trợ nhân đạo có thể đến được với dân thường ở Gaza.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock
Bà Baerbock cho biết "trong những giờ phút này, hy vọng rằng các con tin cuối cùng sẽ được thả và cái chết ở Gaza sẽ chấm dứt. Mọi người chịu trách nhiệm bây giờ nên đảm bảo rằng cơ hội này được nắm bắt".
Thủ tướng Anh Keir Starmer
"Sau nhiều tháng đổ máu tàn khốc và vô số sinh mạng mất đi, đây chính là tin tức mà người dân Israel và Palestine đã vô cùng mong đợi", ông Starmer cho biết trong một tuyên bố qua email.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez
"Thỏa thuận này rất quan trọng để đạt được sự ổn định trong khu vực. Nó đại diện cho một bước đi không thể thiếu trên con đường hướng tới giải pháp hai nhà nước và một nền hòa bình công bằng tôn trọng luật pháp quốc tế".
Thủ tướng Úc Anthony Albanese
Ông Albanese bày tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ "đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới cho người dân Israel và Palestine", mang đến cho người dân Palestine "cơ hội để tái thiết" và "cải cách nền quản trị cần thiết nhất của họ, đồng thời theo đuổi quyền tự quyết". Ông nhấn mạnh rằng "Hamas sẽ không có vai trò gì trong việc quản lý Gaza trong tương lai".
Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế Mirjana Spoljaric
"Mặc dù thỏa thuận này được hoan nghênh, nhưng đó không phải là kết thúc", bà Spoljaric nói. "Mạng sống của người dân phải được bảo vệ và nhu cầu của họ phải được ưu tiên. Những ngày sắp tới rất quan trọng và chúng tôi đang trông cậy vào các bên để giữ vững cam kết của mình".
Ngọc Ánh (theo Reuters, AJ)