Chủ tịch Hồ Chí Minh với người dân ở Hà Nội, ngày 30/1/1957. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, những giá trị cốt lõi nào trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên ý nghĩa và soi đường cho sự phát triển của đất nước, thưa ông?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: Thế giới sẽ còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi. Có thể nói, toàn bộ hệ thống các quan điểm làm thành tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị và tiếp tục soi đường cho sự phát triển của đất nước. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991 quyết định lấy tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Trong suốt các thập niên qua, Đảng, dân và quân ta đã nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Theo Giáo sư, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay có thể tiếp cận và phát huy những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh như thế nào để góp phần xây dựng bản thân, đất nước và hội nhập quốc tế?
Đúng là, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người có vai trò truyền cảm hứng cho không chỉ dân tộc Việt Nam mà còn cho sự phát triển tiến bộ của nhân loại. Bởi vì, Người là một trong những chiến sĩ tiên phong trên thế giới góp phần tích cực nhất cho việc giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay có thể tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh những giá trị nhân văn sâu sắc, khơi dậy khát vọng hành động vì sự tiến bộ, hoàn thiện bản thân và xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước.
Đồng thời, đó cũng là nền tảng để họ mở rộng kết nối với cộng đồng quốc tế bằng tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác.
Vậy những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, về quyền con người và trách nhiệm công dân có ý nghĩa như thế nào trong việc giải quyết những thách thức hiện tại của Việt Nam?
Dù có nhiều biến đổi và biến đổi không ngừng, nhanh chóng, khó lường nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thế giới. Trong bối cảnh đó, trước sau như một, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu phát triển của mình: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là cái bất biến trong “ken dày” những cái vạn biến.
Mục tiêu cuối cùng của bất kỳ học thuyết phát triển nào trên thế gian này, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh đều hướng tới con người, giải phóng con người, bảo đảm quyền con người mà tạo hóa đã ban cho, trong đó quan trọng bậc nhất là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
"Trong giao lưu văn hóa, phải tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới đồng thời giữ gìn, phát huy cốt cách dân tộc, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì 'phải biết nhận và cho'. Nếu thực hiện được thật tốt ba điểm đó cùng tư tưởng như trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc chắn sẽ nâng cao được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Con người luôn là trung tâm của mọi sự giải phóng và phát triển, không thể đứng ngoài quá trình giải phóng chính bản thân. Trách nhiệm công dân và quyền con người đòi hỏi hành động thực tế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh gần 100 năm trước trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (năm 1927) và trong bài phát biểu tại Thanh Hóa năm 1947. Người yêu cầu phải khắc phục các biểu hiện của căn bệnh trầm kha giữa nói và làm: Nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo.
GS. TS. Mạch Quang Thắng. (Ảnh NVCC)
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của di sản Hồ Chí Minh trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhất là trong bối cảnh văn hóa đa dạng và xã hội chuyển biến nhanh chóng hiện nay?
Chân lý nổi bật trong tiến trình phát triển dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Đoàn kết không chỉ trong Đảng, trong dân tộc mà còn trong cộng đồng quốc tế. Sự đoàn kết là yếu tố quyết định thành công, áp dụng trong mọi thời kỳ, tổ chức, cộng đồng và ngay cả trong mỗi gia đình.
Trong bối cảnh đa dạng về văn hóa, nhiều luồng tư tưởng khác nhau, càng cần tới sự đoàn kết. Đó là sự thống nhất trong đa dạng, mà thống nhất trong đa dạng là đoàn kết thống nhất vững bền nhất. Có va chạm, có tranh luận, thậm chí tranh luận một cách gay gắt, rồi đi đến thống nhất, đi đến đồng lòng, đồng sức, đồng tâm vì lợi ích chung, vì sự phát triển của toàn dân tộc, vì sự tiến bộ của nhân loại, thì đó là giá trị thật đáng quý.
Tôi nhớ đến một cách lý giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh về điều này: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, 2011, t.10, tr.378).
Dưới góc nhìn của ông, những di sản văn hóa và tư tưởng đối ngoại của Người có thể đóng góp như thế nào trong việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế?
Tôi cho rằng, quan điểm về đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm ba điểm chủ yếu: Một là, quảng giao, làm bạn với tất cả các nước, không gây thù oán với một ai. Hai là, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, các bên đều có lợi. Ba là, bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Trong giao lưu văn hóa, phải tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới đồng thời giữ gìn, phát huy cốt cách dân tộc, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “phải biết nhận và cho”. Nếu thực hiện được thật tốt ba điểm đó cùng tư tưởng như trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc chắn sẽ nâng cao được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trong bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế", Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Bác Hồ của chúng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tìm ra con đường cứu nước, đưa Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Noi gương Bác, chúng ta phải bắt nhịp với sự vận động của thế giới, tìm ra con đường mang lại hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển và xây dựng vị thế cao hơn, vững chắc hơn cho đất nước trong kỷ nguyên mới".
Nguyệt Hà