Thế giới 'thở phào' khi Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại

Thế giới 'thở phào' khi Mỹ - Trung nối lại đàm phán thương mại
một ngày trướcBài gốc
Truyền thông Mỹ đưa tin Trung Quốc đã đồng ý tái khởi động đối thoại với Mỹ trong một cuộc gặp "phá băng" vào cuối tuần này. Dự kiến, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 10/5, theo thông báo từ phía Washington. Đây được xem là bước đi đầu tiên nhằm giảm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đang gây xáo trộn nền kinh tế toàn cầu.
Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán chính thức giữa lúc thương chiến leo thang. Ảnh: CGTN
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Trưởng đoàn đàm phán thương mại Jamieson Greer sẽ đại diện cho phía Mỹ trong cuộc gặp với đại diện kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Mặc dù phía Washington không xác nhận cụ thể danh tính quan chức tham dự từ Bắc Kinh, nhiều khả năng Phó Thủ tướng Hà Lập Phong sẽ dẫn đầu đoàn Trung Quốc.
Thông tin về cuộc gặp đã khiến thị trường tài chính Mỹ phản ứng tích cực, với hợp đồng tương lai S&P 500 tăng khoảng 1% sau hai phiên lao dốc liên tiếp do lo ngại chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.
Cuộc đàm phán diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng leo thang, với mức thuế nhập khẩu hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt quá 100%. Kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1, Tổng thống Trump đã áp thuế lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhằm phản ứng với những thực tiễn thương mại mà ông cho là không công bằng và cuộc khủng hoảng fentanyl. Phía Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125%.
Bộ trưởng Bessent hôm 6/5 cảnh báo các mức thuế này là không bền vững và thực chất là một lệnh cấm vận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong bài trả lời phỏng vấn Fox news hôm 6/5, Bộ trưởng Bessent cho biết: “Chúng ta cần giảm leo thang căng thẳng trước khi có thể tiến lên phía trước”. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Mỹ không gọi đây là khởi đầu của một vòng đàm phán chính thức. Thay vào đó, cuộc gặp được xem là nỗ lực “phá băng” sau thời gian dài căng thẳng.
Theo thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc, nước này đã đồng ý tái khởi động đối thoại với Mỹ, sau khi cân nhắc lợi ích toàn cầu, lợi ích quốc gia và phản ánh từ ngành công nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Trước đó, giới chức Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng và kêu gọi Mỹ xóa bỏ mọi mức thuế trước khi đàm phán có thể bắt đầu. Tuy nhiên, lập trường của Bắc Kinh gần đây đã dịu đi sau khi ông Trump bày tỏ hy vọng đạt thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo hai nguồn tin thân cận với kế hoạch đàm phán, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ thảo luận việc cắt giảm các loại thuế quan diện rộng. Một trong hai nguồn tin trên cho biết, các chủ đề dự kiến bao gồm: mức thuế với các sản phẩm cụ thể, kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, và quyết định của ông Trump chấm dứt quy chế miễn thuế đối với hàng hóa giá trị thấp của Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent hôm 6/5 cho biết không nên kỳ vọng có một thỏa thuận thương mại lớn ngay sau cuộc gặp vào cuối tuần này. Tuy nhiên, mức thuế hiện đã cao đến mức thương mại giữa hai nước sụt giảm nghiêm trọng. Việc hạ nhiệt căng thẳng sẽ là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng cả hai bên cũng như toàn cầu.
Thuế quan nặng nề đã khiến cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tổn thương. Trong quý 1/2025, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã sụt giảm lần đầu tiên sau 3 năm, một phần do nhập khẩu tăng mạnh để tránh bị đánh thuế đối ứng. Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 4 chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong 16 tháng.
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng phía Mỹ cần thể hiện rõ thiện chí nếu muốn hạ nhiệt căng thẳng. “Điều then chốt là liệu Mỹ có sẵn sàng điều chỉnh lập trường về thuế quan hay không,” ông Hà Vĩ Văn, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc và hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho biết. “Nếu không có thiện chí đó, sẽ không thể đạt được kết quả thực chất”.
Cuộc gặp tại Geneva lần này, dù chưa phải là một bước đột phá, vẫn được kỳ vọng là tín hiệu tích cực trong nỗ lực giảm thiểu căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Theo ông Eswar Prasad - giáo sư tại Đại học Cornell và cựu quan chức cấp cao về Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù chỉ là sự giảm nhiệt phần nào căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và viễn cảnh đạt được một thỏa thuận từng phần cũng sẽ là tin tốt lành cho cả hai nền kinh tế. “Cuộc chiến thương mại giữa Washinton và Bắc Kinh leo thang đang tạo ra một môi trường thương mại bất lợi trên toàn cầu và khiến kinh tế thế giới thêm bất ổn” - ông Prasad nói thêm.
Nguyễn Phương
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/the-gioi-tho-phao-khi-my-trung-noi-lai-dam-phan-thuong-mai.696887.html