Thế giới trước hạn chót 9/7

Thế giới trước hạn chót 9/7
11 giờ trướcBài gốc
Ngày mai 9/7 đánh dấu thời hạn chót mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra để các quốc gia đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, nếu không sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao chưa từng có.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn đang hồi phục chậm chạp sau chuỗi đứt gãy bởi đại dịch và xung đột địa chính trị, động thái này của Washington khiến nền kinh tế thế giới phải cảnh giác cao độ.
“Tối hậu thư” thương mại của Mỹ
Hạn chót 9/7 là kết quả của tuyên bố hồi tháng 4/2025 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông chủ Nhà Trắng khi đó công bố tạm hoãn trong 90 ngày các mức thuế quan cao nhất thuộc kế hoạch “Ngày Giải phóng”, sau khi tuyên bố áp thuế này từng khiến thị trường tài chính toàn cầu lao dốc.
Trong bối cảnh hàng trăm tỷ USD giá trị thương mại quốc tế bị đặt vào tình thế bất ổn, các quốc gia đối tác thương mại lớn của Mỹ đã buộc phải khẩn trương đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận khả thi, nhằm tránh việc bị liệt vào danh sách các nước chịu thuế quan trừng phạt.
Với thời hạn ngày 9/7, hàng chục quốc gia sẽ phải đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, hoặc sẽ phải đối mặt với mức thuế quan tăng vọt. Nguồn: The Spectator
Dù chính quyền Mỹ khẳng định việc áp thuế sau ngày 9/7 sẽ nhắm đến những nước không đạt được thỏa thuận, song hiện vẫn chưa có thông báo chính thức về danh sách các quốc gia cụ thể, cũng như lộ trình áp thuế tương ứng. Ngày 6/7, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ gửi thư thông báo đến các nước liên quan trong tuần này, đồng thời tuyên bố đã hoàn tất hoặc sắp hoàn tất “thỏa thuận với phần lớn các quốc gia”, nhưng không nêu tên cụ thể.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh, các quốc gia chưa đạt được thỏa thuận sẽ phải đối mặt với mức thuế mới từ ngày 1/8, và bác bỏ khả năng gia hạn thời gian đàm phán. Theo ông, mức thuế sẽ được đưa trở lại mức đã công bố hồi đầu tháng 4, song vẫn để ngỏ khả năng nâng lên đến 70% - cao hơn cả mức trần 50% theo kế hoạch ban đầu.
Đáng chú ý, cuối tuần qua, ông Trump cũng tuyên bố sẽ áp thêm 10% thuế đối với các quốc gia ủng hộ “các chính sách chống Mỹ” của khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) - tín hiệu cho thấy thương mại đang trở thành công cụ trong một trật tự địa chính trị mới. Bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của ông Trump nhấn mạnh: “Chính sách này sẽ không có ngoại lệ. Cảm ơn sự quan tâm của các bạn!”.
Dù vậy, bà Deborah Elms, Giám đốc chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich (Singapore) nhận định: “Thông tin từ Nhà Trắng hiện rất mâu thuẫn, khiến việc dự đoán trở nên khó khăn. Khi không có đủ thỏa thuận được công bố trước ngày 9/7, tôi sẽ không ngạc nhiên khi Mỹ vừa đưa ra các bức thư đe dọa áp mức thuế cao hơn, vừa để ngỏ khả năng gia hạn nếu các đề nghị đủ hấp dẫn”.
Những nước nào đã đạt được thỏa thuận?
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 quốc gia là Trung Quốc, Anh và Việt Nam công bố đã đạt được các thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Trong thỏa thuận với Trung Quốc, Mỹ đã giảm mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Bắc Kinh giảm thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống 10%. Dù vậy, thỏa thuận này chỉ có hiệu lực trong 90 ngày và chưa giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại.
Anh duy trì mức thuế 10% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Việt Nam đạt được thỏa thuận hạ mức thuế từ 46% xuống còn 20%, và áp dụng mức thuế 40% cho hàng hóa được vận chuyển (transshipping) qua Việt Nam từ các quốc gia khác.
Nhiều đối tác lớn khác của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc xác nhận đang trong quá trình đàm phán. Theo giới chức Mỹ, đàm phán tập trung vào khoảng 18 quốc gia - chiếm phần lớn trong thâm hụt thương mại của Mỹ.
Tờ The Washington Post ngày 6/7 đưa tin, EU, đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đang cố gắng hoàn tất một “thỏa thuận khung” trước thời hạn nhằm tránh mức thuế 50% mà ông Trump từng đề cập.
Trong khi đó, kênh CNBC-TV18 của Ấn Độ cho biết New Delhi kỳ vọng sẽ hoàn tất một “thỏa thuận thương mại mini” trong vòng 24 - 48 giờ tới, với mức thuế trung bình vào khoảng 10%.
Ông Andrew K. McAllister, thành viên Nhóm Thương mại Quốc tế tại hãng luật Holland & Knight (Washington DC) nhận định, ông Trump có thể sẽ công bố một vài thỏa thuận giống với các hình mẫu đã ký với Trung Quốc, Việt Nam và Anh, còn đa số quốc gia khác có thể sẽ phải đối mặt với mức thuế đồng loạt và đáng kể.
“Quan điểm của tôi là các mức thuế sẽ không biến mất. Điểm mặc cả ở đây là mức thuế sẽ được ấn định ở đâu. Với những quốc gia bị chính quyền Mỹ cho là đang duy trì rào cản thương mại đáng kể với hàng hóa Mỹ, Tổng thống Trump sẽ có xu hướng áp thuế cao hơn”.
Kịch bản nào cho nền kinh tế toàn cầu?
Giới phân tích kinh tế đồng thuận rằng việc Mỹ đơn phương tăng mạnh thuế quan trong thời gian dài sẽ không chỉ tác động tiêu cực tới tăng trưởng toàn cầu, mà còn kéo theo hệ lụy lạm phát, xói mòn lòng tin đầu tư và đe dọa chuỗi cung ứng vốn đang mong manh.
Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong tháng 6 vừa qua. Cụ thể, WB hạ dự báo từ 2,8% xuống 2,3%, còn OECD giảm từ 3,3% xuống 2,9%.
Việc dự báo tác động từ cuộc chiến thương mại của ông Trump càng trở nên khó khăn bởi chính quyền Mỹ liên tục thay đổi và phát đi nhiều tín hiệu trái chiều. Dù các mức thuế cao nhất đã được tạm hoãn, mức thuế cơ bản 10% hiện vẫn đang áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu, trong khi thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn duy trì ở mức hai chữ số.
Dự báo của JP Morgan Research cho thấy nếu Mỹ áp thuế 10% lên toàn bộ hàng nhập khẩu và 110% lên hàng Trung Quốc, GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 1%. Trong trường hợp mức thuế Trung Quốc là 60%, tổn thất vẫn ở mức đáng kể - khoảng 0,7%.
Tuy nhiên, cho đến nay, tác động tiêu cực của các đợt áp thuế vẫn ở mức khiêm tốn. Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Mỹ trong tháng 5 chỉ là 2,3% - gần sát mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) đề ra. Thị trường chứng khoán Mỹ sau đợt sụt giảm đầu năm đã bật tăng lên mức cao kỷ lục, còn nền kinh tế Mỹ tạo thêm 147.000 việc làm trong tháng 6 - vượt dự báo.
Tuy vậy, một số chỉ số khác cho thấy nền kinh tế vẫn đang ẩn chứa những bất ổn. Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 giảm 0,1%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 1. Các chuyên gia từ ngân hàng ING cảnh báo: “Chúng ta chưa thể chắc chắn liệu đòn đánh từ thuế quan đã thực sự tới hay chưa. Thị trường lao động thường là nơi phản ứng sau cùng với các cú sốc kinh tế, và tâm lý hiện vẫn rất mong manh”.
Thương mại toàn cầu giữa ngã ba đường
Với lập trường cứng rắn và cách tiếp cận mang tính “mặc cả” của Tổng thống Donald Trump, chính sách thương mại của Mỹ đang trở thành một công cụ chiến lược, không chỉ nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại, mà còn định hình lại vai trò địa chính trị của Mỹ trên bàn cờ quốc tế.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuế quan như một đòn bẩy chính trị, đặc biệt là với các đối tác kinh tế quan trọng, cũng tiềm ẩn nguy cơ phản tác dụng. Sự thiếu nhất quán trong thông điệp từ Nhà Trắng khiến cho quá trình đàm phán thêm phần bất định, và tạo ra tâm lý lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, lựa chọn của các quốc gia không chỉ dừng lại ở việc chấp nhận hay đối đầu với mức thuế từ Mỹ, mà còn là bài toán về định vị lại vai trò của mình trong một trật tự thương mại đang thay đổi nhanh chóng. Hạn chót 9/7 có thể chỉ là điểm khởi đầu cho một chu kỳ bất ổn mới, nơi mà lợi ích quốc gia, an ninh kinh tế và vị thế toàn cầu sẽ tiếp tục bị thử thách ở mức độ cao hơn.
Hồng Nhung
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/the-gioi-truoc-han-chot-9-7-10379024.html