Thể thao Việt Nam nói 'không' với đầu tư dàn trải

Thể thao Việt Nam nói 'không' với đầu tư dàn trải
3 giờ trướcBài gốc
Từ câu chuyện của Billiard...
Mới đây, VĐV Billiard Nguyễn Hoàng Yến Nhi đã trở thành tâm điểm chú ý trong giới thể thao. Sau khi giành Huy chương Đồng tại Giải vô địch Carom thế giới, bên cạnh việc cảm ơn đến các bên liên quan, Yến Nhi đã chia sẻ nỗi bức xúc về việc thi đấu quốc tế mà phải tự túc kinh phí.
Bóng đá Việt Nam nằm trong số ít môn thể thao tập trung đội tuyển như quốc tế.
Liên đoàn Billiards Snooker Việt Nam (VBSF) đã trở thành đối tượng bị Yến Nhi chỉ trích công khai. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện nhiều tranh cãi này là một phần hiện thực của thể thao Việt Nam. Ở đây, Cục TDTT dần cắt giảm kinh phí tham dự những giải đấu quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang chia các môn thể thao thành tích cao theo những nhóm trọng điểm 1, 2, 3. Tiêu chí phân nhóm dựa vào chương trình thi đấu Olympic, ASIAD, SEA Games, cũng như khả năng giành vé Olympic, hoặc cạnh tranh huy chương (vàng, bạc, đồng) của Việt Nam ở những môn này.
Thẩm quyền quyết định một môn thể thao nằm trong nhóm trọng điểm 1, 2 hoặc 3 thuộc về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dựa trên tham mưu từ Cục TDTT. Trong câu chuyện của Billiard, môn này mặc định được xếp vào nhóm 3. Lý do bởi Billiard không nằm trong chương trình thi đấu Olympic hay ASIAD, chỉ xuất hiện ở SEA Games.
Ở một góc độ khác, thành tích của môn Billiard với thể thao thành tích cao Việt Nam không thể sánh ngang bơi, điền kinh hay nhiều môn khác. Ngoài ra, Billiard cũng có mức độ xã hội hóa rất cao bởi đây là môn thể thao cá nhân, giá trị gắn liền trực tiếp với vận động viên.
Vì những lý do trên, Cục TDTT gần như không cấp kinh phí tham dự các giải Billiard quốc tế. Trách nhiệm lúc này thuộc về Liên đoàn Thể thao Quốc gia, đơn vị chủ quản và bản thân các huấn luyện viên, vận động viên. Họ phải tự tìm nguồn tài trợ, hoặc tự túc để thi đấu.
Xét trên cục diện chung, việc làm này của Cục TDTT không phải là "bỏ rơi" VĐV, HLV hay các bộ môn. Trong những năm gần đây, ngân sách cấp cho Cục TDTT thường duy trì ở mức trên dưới 900 tỷ đồng mỗi năm. Con số đó không tăng, nhưng cũng không giảm quá nhiều, dù hoạt động thể thao ngày một nhiều hơn, nhất là việc tham dự các giải đấu quốc tế.
Trong câu chuyện của VĐV Yến Nhi, quyết định đưa cô đi thi đấu quốc tế nằm trong công văn của Cục TDTT. Theo đó, Cục TDTT không chi trả kinh phí dự giải. Trách nhiệm thuộc về đơn vị chủ quản của Yến Nhi (Đà Nẵng). VBSF cũng không được yêu cầu chi trả những khoản tiền của cô.
...Đến những môn "thuần" thành tích cao
Trong những ngày đầu tháng 10, các thành viên đội tuyển Kickboxing Việt Nam cũng lên đường đến Campuchia dự giải vô địch châu Á mà không có kinh phí từ Cục TDTT. Chiếu theo Quyết định thành lập đội tuyển, Cục TDTT không chi trả tiền cho đội. Trách nhiệm thuộc về Liên đoàn Kickboxing Việt Nam và các địa phương.
Lý do khiến Cục TDTT không cấp kinh phí thi đấu quốc tế cho Kickboxing cũng tương tự Billiard. Đây là môn thể thao nhóm 3, không nằm trong chương trình thi đấu Olympic hay ASIAD. Vì thế, Trung ương sẽ hạn chế tối đa việc phân bổ tiền thi đấu quốc tế. Ở đây, Liên đoàn Kickboxing Việt Nam chi tiền cho lãnh đạo đội, còn địa phương chi cho HLV, VĐV.
"Quyết định của Cục TDTT đã chỉ rõ các bên có trách nhiệm hạch toán. Tuy nhiên, nếu địa phương chủ quản không thể chi tiền, HLV và VĐV phải bù vào những khoản chi. Đây là điều đương nhiên, và đã xảy ra ở nhiều giải quốc tế khác, và chúng tôi đồng ý với cuộc chơi", một HLV cho biết.
Nếu VĐV, HLV phải tự túc kinh phí, họ sẽ làm cách nào để lo liệu? Câu trả lời là "lấy thể thao nuôi thể thao" theo công thức chi trước, thu sau. HLV, VĐV thi đấu bằng việc bỏ tiền túi. Họ bù chi từ tiền tài trợ, cũng như tiền thưởng huy chương từ Cục TDTT và địa phương chủ quản.
Khác với Billiard, Kickboxing là môn thể thao thuần chất thành tích cao hơn. Việc tổ chức giải đấu chuyên nghiệp cũng như huy động nguồn lực xã hội hóa phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng thay vì phàn nàn trên mạng xã hội, nhiều cá nhân vẫn kiên trì, nhẫn nại lựa cơm gắp mắm để làm việc.
Bên cạnh Kickboxing, bắn súng hay Boxing cũng phải làm quen với việc huy động nguồn lực từ bên ngoài trong thời gian qua. Với đội tuyển bắn súng quốc gia, họ thường xuất ngoại sớm hơn 1 tuần so với ngày thi đấu. Kinh phí trong những chuyến đi sớm đó được những nhà tài trợ chi trả.
Với đội tuyển Boxing Việt Nam, tại vòng loại 1 Olympic Paris (tổ chức ở Italia), nhiều thành viên trong đoàn tham dự bằng kinh phí của địa phương chủ quản. Một trong những gương mặt phải "tự chi" là chuyên gia Tawan Mungphingklang của đội Boxing nữ Hà Nội. Ông Tawan làm nhiệm vụ ở 2 vòng loại Olympic, hỗ trợ tuyển quốc gia dù là HLV địa phương.
Xu hướng hạn chế kinh phí Trung ương từ Cục TDTT, cũng như tăng vận động từ các địa phương, Liên đoàn Thể thao quốc gia sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Cục TDTT cũng "mở" dần trong việc triệu tập đội tuyển dựa trên công tác tham mưu từ Liên đoàn, thay vì đơn phương ra quyết định. Đây thực sự là một bước tiến lớn.
Trách nhiệm mỗi cá nhân
Theo chia sẻ từ phía Yến Nhi, thông tin từ Cục TDTT khiến Đà Nẵng không kịp lên kế hoạch chi trả. Vì lý do đó, cô và đồng nghiệp Phùng Kiện Tường phải chi trả toàn bộ kinh phí du đấu. Nhưng tại sao VBSF lại bị Yến Nhi chỉ trích, dù họ không phải đơn vị có trách nhiệm, nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu cô đưa ra? Tại sao Yến Nhi không chỉ trích Đà Nẵng?
Câu trả lời thực sự dường như đã có. Yến Nhi nhanh chóng xóa bài viết chỉ trích VBSF trên trang cá nhân trước khi câu chuyện được sao chép, đăng lại trên nhiều kênh mạng xã hội khác. Một thông tin đáng lưu ý khác, đó là cá nhân Yến Nhi gần như chẳng mất gì từ chuyến đi này.
Yến Nhi thi đấu Billiard, môn thể thao có mức độ xã hội hóa rất cao.
Câu chuyện của Yến Nhi cho thấy, VĐV ở các môn thể thao có mức độ xã hội hóa cao hoàn toàn có thể huy động kinh phí để du đấu quốc tế. Điều đó cũng đúng với nhiều đồng nghiệp của Yến Nhi như Dương Quốc Hoàng, Phạm Phương Nam. Họ du đấu bằng kinh phí của nhà tài trợ chứ không phải địa phương chủ quản, Cục TDTT hay Liên đoàn Quốc gia.
Với Yến Nhi, sau khi đăng bài viết chỉ trích VBSF (và xóa), cô đăng một bài khác để gửi lời cảm ơn các cá nhân, tổ chức đã tài trợ cô. Số tiền VĐV này tự huy động được, cũng như nhận thưởng vào khoảng 30 triệu đồng và 1.700 USD. Chừng đó tiền đã nhỉnh hơn một chút khoản kinh phí Yến Nhi tiêu tốn trong chuyến đi thi đấu là 55 triệu đồng.
Yến Nhi hoàn toàn không mất tiền trong chuyến du đấu quốc tế. Mọi khoản chi của cô được bù vào bằng tiền tài trợ, bao gồm trên dưới 15 cá nhân và tập thể. Nhưng bằng một cách nào đó, Yến Nhi vẫn chỉ trích VBSF vì họ không tài trợ cho cô và đồng đội. Câu chuyện của Yến Nhi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại.
Như đã chia sẻ ở trên, Yến Nhi không đạt được thỏa thuận tài trợ với VBSF nên phải tự túc, tìm đến nhiều nhà tài trợ khác là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng với tầm ảnh hưởng của một VĐV vừa giành HCĐ thế giới, Yến Nhi đã công khai chỉ trích VBSF, khiến câu chuyện bị hiểu sai theo hướng hoàn toàn khác với trách nhiệm các bên liên quan.
Trong những môn thể thao có tính cá nhân hóa rất cao như Billiard, một vài cá nhân có thể mang tầm ảnh hưởng lớn hơn một tập thể. Họ hoàn toàn đủ khả năng biến một câu chuyện từ bất lợi thành có lợi cho mình, dựa trên những thông tin đưa ra theo hướng tự tôn bản thân. Tuy nhiên, luật pháp lại chưa phân định rõ trách nhiệm cá nhân.
Học theo bóng đá
Một VĐV chia sẻ: "Ở nước ngoài, các đội tuyển thể thao quốc gia tập trung giống như bóng đá. Đội tuyển chỉ có HLV chuyên trách, còn VĐV tập luyện thường xuyên ở địa phương hoặc CLB chủ quản. Họ chỉ lên tuyển tập trung trước thềm những giải đấu quốc tế, hoặc xuất ngoại. Mỗi đợt tập trung như vậy thường chỉ kéo dài 2-3 tuần".
Trong khi đó, phần lớn các đội tuyển thể thao cấp quốc gia của Việt Nam tập trung theo Quyết định từ Cục TDTT, với thời gian lên tuyển tính bằng quý, năm. Trước đây, việc này xuất phát từ việc VĐV ở địa phương không có cơ sở vật chất hoặc nhiều VĐV để tập cùng. Nhưng theo thời gian, cách làm này đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Một số đơn vị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Công an Nhân dân, Hải Phòng, Bắc Ninh... đủ số lượng VĐV, cũng như cơ sở vật chất để tập luyện ngay tại đội chủ quản. Trên thực tế, nhiều đội tuyển quốc gia được đưa về địa phương tập luyện, vì những nơi này có chất lượng tập luyện tốt hơn, giúp cải thiện trình độ VĐV khá hơn.
Điểm trừ duy nhất của mô hình tập trung theo đợt của nước ngoài hay bóng đá, đó là nó ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ VĐV. Mức đãi ngộ của VĐV ở địa phương và đội tuyển rất khác nhau, chế tài cũng không thực sự rõ ràng. Vì thế, phần lớn các đội tuyển thể thao của Việt Nam vẫn duy trì cách làm cũ, và chỉ bứt phá ở một số môn.
Đơn Ca
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/the-thao-viet-nam-noi-khong-voi-dau-tu-dan-trai-i747918/