Thêm góc nhìn về thu hẹp hình phạt tử hình

Thêm góc nhìn về thu hẹp hình phạt tử hình
2 ngày trướcBài gốc
Hiện nay xu hướng hạn chế và dần loại bỏ quy định về hình phạt tử hình đã và đang diễn ra sâu rộng trong cộng đồng quốc tế. Để thực hiện chủ trương này các quốc gia thường lựa chọn các cách thức như: (1) Tạm hoãn thi hành án tử hình; (2) Không áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế (các Tòa án thường không tuyên hình phạt tử hình trong một thời gian dài); (3) Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình (chỉ áp dụng hình phạt tử hình trong một số tội danh) và (4) Thay thế bằng hình phạt khác (ví dụ tù chung thân không xét giảm án).
Các bị cáo trong một vụ án ma túy xuyên quốc gia được xét xử tại TAND TP.HCM vào tháng 12-2024. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung BLHS đề xuất bỏ tử hình đối với tám tội danh và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án, gồm các tội: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); gián điệp (Điều 110); phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam (Điều 114); sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); tham ô tài sản (Điều 353); nhận hối lộ (Điều 354).
Không nên dừng lại ở việc bỏ hình phạt tử hình cho tội danh cụ thể
Tôi cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung BLHS đã đề xuất bỏ hình phạt tử hình của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), trong khi tội bạo loạn (Điều 112) và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113) vẫn còn quy định hình phạt tử hình là chưa hợp lý.
Lý do, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân có phạm vi, hành vi phạm tội rộng hơn và tính nguy hiểm cao hơn các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định từ Điều 110 đến Điều 121 BLHS 2015.
Như vậy, việc bỏ hình phạt tử hình ở Điều 109 như đề xuất tại dự thảo sẽ phát sinh tình huống là tội có hành vi, mục đích nguy hiểm hơn nhưng hình phạt lại nhẹ hơn.
Hành vi khách quan của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, khi người phạm tội thực hiện các hành vi cụ thể để lật đổ chính quyền như gián điệp, khủng bố, bạo loạn hay phá hủy cơ sở vật chất kỹ thuật… thì cũng sẽ định vào tội danh này.
Còn tội phạm quy định tại các Điều 112 và 113 có mục đích phạm tội là chống chính quyền nhân dân nhưng chỉ ở mức độ làm suy yếu chính quyền nhân dân, khi người phạm tội chuyển sang mục đích lật đổ chính quyền thì phải định tội danh theo tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân hoặc tội phản bội tổ quốc.
Tương tự như vậy, tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421) là tội có tính nguy hiểm cao nhất trong Chương XXVI Bộ luật hình sự (nhóm tội về phá hoại hòa bình, chống lại loài người và tội phạm chiến tranh). Hành vi phạm tội của tội phạm này bao hàm hành vi phạm tội khác như tội chống loài người (Điều 422); tội phạm chiến tranh (Điều 423).
TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM.
Các tội phạm quy định tại Chương XXVI BLHS còn được được gọi là tội phạm quốc tế và trên thực tế chưa bao giờ được áp dụng. Do vậy việc quy định hình phạt tử hình ở các tội phạm trong chương này không có nhiều ý nghĩa trong đấu tranh phòng chống tội phạm tại Việt Nam.
Về lý luận, các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh được xem là những nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao nhất vì tầm quan trọng của khách thể và phạm vi của tội phạm.
Tuy nhiên, đây được xem là các tội phạm về chính trị nên cần cân nhắc trên nhiều khía cạnh khi quy định về tội phạm và hình phạt. Khi chính sách hình sự về hình phạt tử hình của nhà nước ta hiện nay là hạn chế hình phạt tử hình và chỉ quy định ở các tội xâm phạm và trực tiếp gây thiệt hại cho tính mạng con người thì cần sửa đổi cả các quy định về tội phạm trong các chương này để đảm bảo chính sách được thực hiện một cách hợp lý mà không thể dừng lại ở việc bỏ hình phạt tử hình cho tội danh cụ thể.
Với tội phạm ma túy, nên bỏ án tử hình theo lộ trình
Đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đây có thể được xem là một trong các tội có tỷ lệ áp dụng hình phạt tử hình cao trong thực tế. Phần lớn hình phạt tử hình được tuyên trong các vụ án lớn về ma túy là cho các bị cáo phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trên thực tế không ít các trường hợp các bị cáo phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy do thiếu hiểu biết, bị dụ dỗ hoặc vì điều kiện kinh tế khó khăn. Do vậy, việc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình cho nhóm đối tượng này cần được xem xét.
Trong giai đoạn hiện nay với diễn biến ngày càng nguy hiểm và phức tạp đối với tội phạm ma túy, việc hạn chế hình phạt tử hình ở tội vận chuyển trái phép chất ma túy nên được thực hiện theo từng giai đoạn. Trước hết là nâng mức định lượng ma túy ở khoản có quy định hình phạt tử hình cũng như mức bị áp dụng hình phạt tử hình. Tiếp theo hạn chế tuyên hình phạt tử hình trên thực tế bằng cách cân nhắc toàn diện các yếu tố khi quyết định hình phạt này đặc biệt là yếu tố nhân thân người phạm tội.
Khi các giải pháp này mang lại hiệu quả, không làm gia tăng đột biến tội phạm sẽ tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. Lộ trình này sẽ đảm bảo cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hạn chế hình phạt từ hình và phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có tính nguy hiểm cao và trong dấu hiệu định khung tăng nặng có quy định hậu quả chết người nhưng đó phải là hậu quả với lỗi vô ý.
Nếu người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà biết rõ trong thuốc có chứa các thành phần tất yếu dẫn đến hậu quả chết người thì phải định về tội giết người. Do vậy, tuy hành vi có tính nguy hiểm cao nhưng chưa đến mức quy định hình phạt tử hình và thực tiễn áp dụng cho thấy trong thời gian dài gần đây cũng chưa ghi nhận trường hợp áp dụng hình phạt tử hình cho tội phạm này.
Tương tự, đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với xu hướng phát triển. Các quốc gia còn quy định hình phạt tử hình chủ yếu chỉ quy định cho các tội xâm phạm đến con người và gây thiệt hại về người hoặc các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Việc quy định hình phạt tử hình cho các tội phạm gây thiệt hại về tài sản thường vấp phải chỉ trích từ các tổ chức quốc tế từ góc độ bảo vệ quyền con người.
Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, tội phạm tham nhũng đang diễn biến nguy hiểm và chủ trương chống tham nhũng rất quyết liệt của Đảng và Nhà nước đang được xã hội đồng thuận và ủng hộ. Do vậy, việc bãi bỏ hình phạt tử hình ở hai tội phạm này dễ vấp phải phản ứng từ xã hội.
Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật nhân đạo, tôn trọng quyền con người hơn thì đề xuất bãi bỏ này phù hợp về chính sách, lý luận và xu hướng chung của pháp luật hình sự.
Cần nghiên cứu, xem xét đánh giá một cách toàn diện hơn
Trong khoa học, các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều hạn chế của hình phạt tù chung thân không xét giảm án, trong đó hạn chế lớn nhất là vấn đề quyền con người. Ngoài ra, hình phạt tù chung thân không xét giảm án còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người chấp hành án trong một thời gian dài hoặc xa rời mục đích của hình phạt và không đạt được ý nghĩa giáo dục vì người chấp hành án không có cơ hội thực hành những nội dung được giáo dục trong trại giam.
Chính vì vậy, trong xã hội nhân đạo hiện đại có nhiều quan điểm học thuật không ủng hộ hình phạt tù chung thân không ân giảm.
Việc dự thảo quy định thêm hình phạt tù chung thân không xét giảm án bên cạnh hình phạt tù chung thân trong bối cảnh chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của hình phạt này là chưa đầy đủ cơ sở về lý luận và thực tiễn. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, việc quy định hình phạt tù chung thân không xét giảm án (trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc đặc xá) cần được nghiên cứu, xem xét đánh giá một cách toàn diện hơn.
TS NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG
Băn khoăn về hình phạt mới: Tù chung thân không xét giảm án
Mặc dù người phạm tội bị kết án tù chung thân không xét giảm án vẫn có một số cơ hội nhất định để được xem xét giảm hình phạt, chuyển thành tù chung thân, song những trường hợp này là hết sức hạn hữu.
Cụ thể, chỉ áp dụng trong các tình huống: được đại xá, ân giảm; hoặc trong trường hợp phạm các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà người phạm tội đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Thạc sỹ, Luật sư Đặng Kim Chinh
Vì vậy, hình phạt “tù chung thân không xét giảm án” vẫn đặt ra nhiều vấn đề pháp lý và chính sách cần được xem xét thấu đáo.
Nguyên tắc 4 của Quy tắc Nelson Mandela – Bộ quy tắc tối thiểu của Liên Hợp Quốc về đối xử với phạm nhân – nhấn mạnh rằng: “Thời gian chấp hành án tù phải được sử dụng để bảo đảm... việc tái hòa nhập xã hội.” Nếu người bị kết án không có hoặc hầu như không có cơ hội được giảm án, thì mọi nỗ lực cải tạo trở nên vô nghĩa, còn các biện pháp giáo dục, đào tạo, phục hồi nhân phẩm… mất đi lý do tồn tại thực chất. Điều này mâu thuẫn với xu hướng quốc tế về hình phạt nhân đạo và hướng đến cải tạo.
Ngoài ra, hình phạt này có thể làm triệt tiêu động lực cải tạo trong trại giam khi người bị kết án nhận thức rằng, dù có cải tạo tốt đến đâu cũng rất khó được giảm án. Khi đó hiệu quả công tác giáo dục – cải tạo sẽ bị ảnh hưởng.
Thạc sỹ, Luật sư Đặng Kim Chinh, Đoàn Luật sư TP.HCM
TS NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM
Nguồn PLO : https://plo.vn/them-goc-nhin-ve-thu-hep-hinh-phat-tu-hinh-post851480.html