Thêm nhiều nhà thầu giao thông lớn đủ sức làm gói thầu nghìn tỷ đồng

Thêm nhiều nhà thầu giao thông lớn đủ sức làm gói thầu nghìn tỷ đồng
3 giờ trướcBài gốc
Nhà thầu trong nước đã làm chủ hoàn toàn công nghệ thi công hầm xuyên núi
Nhà thầu trong nước làm chủ công nghệ từ thiết kế đến thi công
Trong văn bản báo cáo đánh giá về năng lực nhà thầu tham gia thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, trong giai đoạn trước đây, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, khối lượng công việc do các doanh nghiệp xây dựng trong nước thực hiện không lớn; công tác thiết kế, thi công xây dựng các công trình có kỹ thuật cao như hầm, cầu dây văng chủ yếu do nhà thầu nước ngoài đảm nhận thực hiện, nhà thầu trong nước chủ yếu tham gia với vai trò thầu phụ.
Theo khảo sát của Bộ GTVT, thời điểm cuối năm 2022, số lượng nhà thầu đã tham gia thi công xây dựng công trình giao thông có giá trị hợp đồng từ 1.000 tỷ đồng trở lên không nhiều (khoảng 14 nhà thầu). Những năm vừa qua, một số doanh nghiệp lớn (Tập đoàn, Tổng công ty…) đã tham gia xây dựng tại các dự án, công trình giao thông lớn (như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 ...) đã tích lũy thêm năng lực, kinh nghiệm thực hiện các công trình, dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; đội ngũ nhân sự đã được tăng cường, nâng cao kinh nghiệm quản lý, thi công xây dựng; nhiều máy móc, thiết bị đã được đầu tư, mua sắm.
Tại dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia thi công, với giá trị đảm nhận của mỗi doanh nghiệp tại 01 gói thầu trung bình khoảng 500 tỷ đồng, trong đó giá trị nhà thầu đảm nhận lớn nhất tại 01 gói thầu khoảng 2.300 tỷ đồng.
Đến nay, các nhà thầu trong nước dần lớn mạnh, đã cơ bản làm chủ công nghệ từ khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng hầu hết các công trình giao thông lớn, có tính chất, yêu cầu kỹ thuật phức tạp như công trình cầu dây văng, dây võng, cầu bê tông cốt thép nhịp đúc hẫng cân bằng, công trình hầm qua núi, vượt sông,... Trong quá trình thi công xây dựng, các nhà thầu đã không ngừng cải tiến công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong quản lý, điều hành và tổ chức thi công xây dựng.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị thi công hiện đại, đồng bộ để phục vụ xây dựng như các thiết bị khoan, đào hầm, thiết bị thi công cầu lớn,... rất hiệu quả và tạo ra sản phẩm công trình với chất lượng với kỹ - mỹ thuật cao như: tự thiết kế, thi công cầu Mỹ Thuận 2 nhịp dây văng dài 350m, hầm Thần Vũ dài 1,1km, hầm Núi Vung dài 2,2km, các dự án có kỹ thuật phức tạp lần đầu áp dụng ở Việt Nam như hệ dàn thép khẩu độ lớn tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành...
Tại công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia do Bộ GTVT quản lý cũng như của các địa phương đang được đầu tư xây dựng hiện nay, các doanh nghiệp tham gia thi công xây dựng đều là các nhà thầu mạnh, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín; có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, có tập thể kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề. Các nhà thầu xây dựng đang nỗ lực, cố gắng hết sức mình triển khai thi công; đặc biệt trong việc hưởng ứng phát động "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc" của Thủ tướng Chính phủ.
Các kỹ sư, công nhân của các nhà thầu đã và đang nêu cao tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", thi công "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "đã ra quân là chiến thắng", "chỉ bàn làm, không bàn lùi" theo đúng tinh thần chỉ đạo, động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ.
Góp mặt trong số các nhà thầu tham gia thi công tại các dự án, công trình trọng điểm ngành GTVT có thể kể đến các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, uy tín như: các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô); Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sơn Hải.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Trường; Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam; Tổng công ty Xây dựng Số 1 (CC1); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP tập đoàn CIENCO4, Công ty Cổ phần Lizen, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh,... và rất nhiều các nhà thầu lớn, có uy tín khác; đối với các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025, các nhà thầu đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành sớm hơn so với hợp đồng từ 3 - 6 tháng. Điều đó cho thấy sự lớn mạnh của các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình giao thông.
Cầu Mỹ Thuận 2 do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm từ thiết kế đến thi công
Vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Thông tin về những khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT cho biết, cùng với những thành tựu và kết quả đạt được rất đáng ghi nhận và khích lệ nêu trên, tại một số dự án, công trình xây dựng cũng còn có tồn tại, hạn chế về tiến độ, chất lượng công trình do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Cụ thể, thời gian vừa qua có sự biến động giá đối với một số nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu trong khi công bố giá và chỉ số giá của địa phương chưa đầy đủ, kịp thời, sát giá thị trường gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và nhà thầu xây lắp.
Bên cạnh đó, việc đồng loạt triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng có quy mô, giá trị lớn trên phạm vi cả nước, nhất là các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để thúc đẩy, hỗ trợ phục hồi kinh tế yêu cầu tiến độ khẩn trương. Nhu cầu sử dụng vật tư, vật liệu lớn trong cùng thời điểm dẫn đến khan hiếm một số nguồn vật liệu chính (như: cát đắp, đá, cấp phối đá dăm,….) phục vụ thi công các dự án. Một số mỏ vật liệu được cấp phép nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án; một số mỏ giảm công suất khai khác nên các nhà thầu càng khó khăn trong việc tìm nguồn vật liệu phục vụ thi công.
Các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông chủ yếu tham gia thực hiện tại các dự án lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa nhiều (đường sắt, hàng không). Ngoài ra, sự thiếu hụt về số lượng kỹ sư, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn sâu và công nhân xây dựng, đặc biệt là nhóm công nhân lành nghề, dẫn đến tăng giá nhân công xây dựng, cũng gây khó khăn cho nhà thầu thi công trong tìm kiếm, huy động nhân lực.
Khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật không được thực hiện kịp thời với tiến độ triển khai thi công xây dựng, hoặc mặt bằng xôi đỗ, gây khó khăn cho công tác thi công, xử lý nền đường, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành và việc quản lý đảm bảo chất lượng đồng bộ của nhà thầu thi công.
Ngoài ra, hệ thống định mức xây dựng còn một số hạn chế như: thiếu định mức cho một số công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới, áp dụng biện pháp thi công mới; một số định mức ban hành vẫn còn bất cập, chưa phủ kín các loại công tác xây dựng, điều kiện áp dụng cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng và sự phát triển bền vững của các nhà thầu.
Nhận định, đánh giá được những vướng mắc trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu, triển khai đồng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu. Đến nay những vướng mắc lớn đã cơ bản được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu triển khai thi công xây dựng.
Để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng đang triển khai thi công và chuẩn bị nguồn lực để thực hiện tại các dự án sẽ triển khai trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham gia với Bộ Xây dựng trong quá trình rà soát để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức xây dựng bảo đảm định mức phản ánh đúng thực tế thi công.
Bộ GTVT đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp mỏ vật liệu xây dựng; tăng cường vận động tuyên truyền người dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm; thực hiện và ban hành các đơn giá, công bố giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp, đầy đủ, kịp thời.
Bộ GTVT cũng đề nghị các nhà thầu, doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chiến lược, kế hoạch đầu tư, mua sắm, huy động thiết bị chủ yếu phục vụ thi công trong từng giai đoạn, đặc biệt trong việc chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực nhân sự, thiết bị để tham gia thực hiện các dự án, công trình trọng điểm về đường bộ, hàng không, đường sắt tốc độ cao trong thời gian tới.
Đồng thời, các nhà thầu cần tích cực nghiên cứu, tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đầu tư xây dựng, đặc biệt là các quy định pháp luật về xây dựng (về quản lý chi phí, quản lý hợp đồng... ), pháp luật về đấu thầu để đảm bảo có đầy đủ hành lang pháp lý, phù hợp thực tiễn để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Hiện nay, Bộ GTVT và các địa phương đang đầu tư xây dựng 40 dự án/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực trọng tâm là đường bộ, đường sắt và hàng không; trên địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó nổi bật như đang thi công khoảng 1.700 km đường bộ cao tốc (các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án cao tốc trục ngang: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường vành đai 3 Thủ đô Hà Nội, đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh), dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và nhiều dự án, công trình có quy mô lớn khác.
Các dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai thi công, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc, dự kiến khởi công xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (với chiều dài khoảng 1.541 km) vào cuối năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ để phục vụ đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Nam Hải
Nguồn GTVT : https://tapchigiaothong.vn/them-nhieu-nha-thau-giao-thong-lon-du-suc-lam-goi-thau-nghin-ty-dong-183241003211813178.htm