Du khách tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Từ theo dấu chân Bác Hồ...
Chặng đầu tiên trong hành trình theo dấu chân Bác Hồ tại Vân Nam của đại diện học giả, phóng viên và sinh viên Việt Nam là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Côn Minh.
Theo giới thiệu của đại diện Khu di tích, trong hành trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi nhiều nơi ở châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ, trong đó Người đến Trung Quốc nhiều nhất và thời gian hoạt động cách mạng tại đây dài nhất.
Trong thời gian hoạt động cách mạng ở Vân Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc tại căn nhà được đánh số từ 89 đến 91, đường Hoa Sơn Nam, thành phố Côn Minh từ tháng 2-10/1940.
Tại đây, Người đã gặp gỡ các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí khác... để bàn về những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, vào thời gian cuối tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gặp gỡ sinh viên Đại học liên hợp Tây Nam để giới thiệu, tuyên truyền và chủ nghĩa Mác-Lênin.
Bạn Hà Thị Lan Phương, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Vân Nam tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh.
Từ tháng 4-5/1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phùng Chí Kiên triển khai công tác tuyên truyền, vạch trần âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và đế quốc Nhật tại các địa phương dọc theo tuyến đường sắt Vân Nam-Việt Nam như Nghi Lương, Khai Viễn, Mông Tự.
Trong quá trình hoạt động tại Chỉ Thôn, Mông Tự, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mở lớp huấn luyện cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và trực tiếp giảng dạy về chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đến khoảng giữa năm 1940, xuất phát từ tình hình thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển trọng tâm cách mạng về Quảng Tây.
Tháng 3/1959, nhân chuyến thăm lại thành phố Côn Minh, tại buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là quan hệ "hai nước anh em, hai nước đồng chí". Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nhất định phải chăm chỉ học tập, tuân thủ kỷ luật, yêu lao động, với các bạn nhỏ Trung Quốc.
Ngày nay, căn nhà ở đường Hoa Sơn Nam này đã trở thành Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống quan trọng. Khu di tích có diện tích mặt đất 121,5m2, diện tích xây dựng 263m2, là một tòa nhà 3 tầng, kết cấu bằng gạch và gỗ.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đường Hoa Sơn Nam, thành phố Côn Minh.
Năm 2011, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là di tích văn hóa cấp thành phố; năm 2019 được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Để tiếp tục kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt, thúc đẩy giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa giữa hai nước, ngày 19/5/2022, Văn phòng Ngoại vụ, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Vân Nam, chính quyền thành phố Côn Minh đã phối hợp Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh trùng tu Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện Khu di tích trưng bày rất nhiều hình ảnh và tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình Người sinh sống ở đây. Mỗi bức ảnh, mỗi hiện vật được trưng bày nơi đây đều là một câu chuyện xúc động, một thời điểm lịch sử quan trọng của quá trình hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước của Người.
Trong Khu di tích còn có một hiện vật đặc biệt được trưng bày ở vị trí trang trọng, đó là phiên bản thu nhỏ của tác phẩm điêu khắc “Việt Nam-Những trang sử vàng” vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm tặng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh.
Đây là một trong hai phiên bản được gửi tặng bạn bè quốc tế, thể hiện tình cảm sâu sắc của Đảng và nhân dân Việt Nam đối với những năm tháng hai nước kề vai chiến đấu, cũng là sự tôn vinh cao cả đối với tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung.
Du khách chụp ảnh tác phẩm điêu khắc “Việt Nam-Những trang sử vàng” được Tổng Bí thư Tô Lâm tặng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh.
Bạn Hà Thị Lan Phương, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Vân Nam cho biết: “Em rất vinh dự và xúc động khi đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác hoạt động cách mạng tại Côn Minh. Đây không chỉ là di tích lịch sử, mà còn là minh chứng cho sự nỗ lực đấu tranh gian khổ của Người vì độc lập của dân tộc. Qua hoạt động lần này, em hiểu thêm về tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt-Trung. chúng em cần phải nỗ lực học tập, cố gắng rèn luyện hơn nữa để góp phần xây dựng đất nước và vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.
Chia sẻ cảm nhận của bản thân khi đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Côn Minh, bạn Đoàn Đăng Khoa, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh cho biết: “Chuyến thăm này rất có ý nghĩa, bởi thế hệ trẻ như em từ trước đến nay chỉ tìm hiểu lịch sử cách mạng, quá trình đấu tranh qua sách vở, phim ảnh, nay được tận mắt nhìn thấy hiện vật và không gian trưng bày, mới cảm nhận được sự vĩ đại của Bác, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lập, vượt khó, học tập suốt đời cho thanh niên”.
Bạn Đoàn Đăng Khoa, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh.
...đến hành trình đỏ nghiên cứu, học tập và du lịch
Năm 2025, trong không khí hai nước Việt Nam-Trung Quốc tưng bừng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và "Năm giao lưu nhân văn Việt- Trung", có một dấu mốc đặc biệt, đó là kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 85 năm Người hoạt động cách mạng tại Côn Minh. Trung Quốc đã khởi động Hành trình đỏ nghiên cứu, học tập, mời thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng hai nước.
Đây không chỉ là dịp để thanh niên hai nước Việt-Trung trao đổi, gắn kết và tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường hợp tác, củng cố nền tảng xã hội giữa hai nước.
Nhìn lại những năm tháng qua, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, đến hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tình hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" đã khắc sâu vào tâm trí của nhân dân hai nước. Tình hữu nghị sâu đậm này được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân xây dựng và được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, là tài sản quý báu chung, là nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ dẫn dắt quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung.
Học sinh tiểu học Trung Quốc tham quan Bảo tàng đường sắt Vân Nam-một địa chỉ đỏ trong tuyến du lịch về nguồn.
Ban Tuyên truyền Tỉnh ủy Vân Nam phối hợp Trung tâm truyền thông quốc tế khu vực Nam Á-Đông Nam Á tỉnh Vân Nam, Viện nghiên cứu quy hoạch du lịch Vân Nam và Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Lễ công bố thành quả hoạt động "Tìm kiếm dấu chân Bác Hồ tại Vân Nam" và Chương trình giới thiệu tuyến du lịch đỏ nghiên cứu học tập hai chiều "Du lịch Vân Nam-Khám phá Việt Nam" vào cuối tháng 6/2025 là thực tiễn sinh động kế thừa truyền thống cách mạng lâu đời giữa hai nước.
Những năm tháng ở Vân Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa với lịch sử đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam, mà còn là chứng tích cho sự ủng hộ lẫn nhau của hai nước Việt-Trung trong những năm tháng cách mạng gian khổ. Việc tiếp tục tìm kiếm dấu chân cách mạng của Bác Hồ, tổ chức thành một tuyến du lịch đỏ chính là ôn lại lịch sử, tiếp thêm sức mạnh tinh thần, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác mới trong du lịch và giao lưu nhân văn giữa hai nước.
Du khách Việt Nam tham quan di tích Đại học liên hợp Tây Nam phân hiệu Mông Tự - một địa chỉ đỏ trong tuyến du lịch về nguồn.
Các tuyến du lịch lấy nghiên cứu, học tập những giá trị cách mạng làm cốt lõi, sẽ là một trải nghiệm du lịch độc đáo, giàu ý nghĩa. Thông qua tuyến du lịch này, thanh niên Việt Nam có thể vừa thưởng ngoạn phong cảnh tươi đẹp của vùng đất Vân Nam, vừa cảm nhận được tình hữu nghị sâu đậm của nhân dân Trung Quốc, đồng thời hiểu thêm về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ.
Trong khi đó, từ cây đa Tân Trào, Lăng Bác, quảng trường Ba Đình, tới Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, xa hơn nữa là địa đạo Củ Chi, dọc đất nước Việt Nam cũng lưu giữ rất nhiều “địa chỉ đỏ”, gắn liền với cuộc chiến đấu kiên cường giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Đến với các điểm du lịch này, các bạn trẻ Trung Quốc vừa trải nghiệm những nét đặc sắc của du lịch Việt Nam, vừa hồi tưởng ký ức cách mạng chung giữa hai nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Huy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Hợp tác du lịch đã trở thành điểm nhấn trong quan hệ song phương hiện nay. Trong đó, du lịch đỏ được coi là xu hướng phát triển mới của hợp tác du lịch giữa hai nước. Việt Nam và Trung Quốc có sự kết nối văn hóa, giao lưu du lịch ngày càng chặt chẽ, điều này đã trở thành sợi dây gắn kết nâng cao tình cảm của nhân dân hai nước”.
HỒ QUÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc