Tác phẩm “Theo dấu vàng son” trong ngày ra mắt
“Theo dấu vàng son”, tập sách mới nhất của nhà báo Bùi Ngọc Long, là tác phẩm dày và nặng theo nhiều nghĩa. Dày và nặng tay bởi có đến 340 trang, gồm chữ và ảnh. “Dày” và “nặng tay”, nội dung được chia làm 5 phần với hàm lượng chất xám và học thuật cao: Phong thủy Kinh thành Huế; Đi tìm dấu tích Thần kinh nhị thập cảnh; Những ngọn núi thiêng; Chuyện ngự y Triều Nguyễn; “Kỳ duyên” nghiên cứu phục hồi điện Cần Chánh; Đi tìm dấu tích vương triều Tây Sơn; Tinh hoa võ học xứ Huế.
Khác với tập bút ký đầu tay “Thiền sư ở đâu” xuất bản năm 2018, “Theo dấu vàng son” gần hơn với du ký và biên khảo, và tất cả đều được in dài kỳ trên Báo Thanh Niên trước đó. Tuy vậy, khi tập hợp thành sách, bạn đọc vẫn thấy mới lạ, cuốn hút. Và đây là ví dụ sinh động cho thấy sức sống lâu dài của một tác phẩm báo chí khác với việc một bản tin hay bài báo bình thường như thế nào nếu được người viết dụng công trong việc kể chuyện.
Thật ra, tất cả những chủ đề mà Bùi Ngọc Long thể hiện trong cuốn sách này đều không mới vì đã được các nhà báo, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài Huế khai thác rất nhiều. Tuy vậy, qua bàn tay sắp xếp, chắt lọc, đặc biệt là kỹ năng tô bồi, đào sâu, gợi mở qua việc tiếp xúc với các nhân vật, nhân chứng để làm mới đề tài, những câu chuyện trong “Theo dấu vàng son” vì thế được nâng tầm, trở thành một tác phẩm không chỉ đáng đọc mà còn có đóng góp nhất định vào dòng chảy văn hóa Huế đương đại.
“Theo dấu vàng son”, vì thế không phải là một loại sách có tính kỷ niệm nghề nghiệp như thường thấy, mà nó có đời sống riêng của mình với bạn đọc. Và suy cho cùng thì một nhà báo hay nhà văn, dù sống trong thời đại nào, khoa học công nghệ phát triển ra sao, thì vấn đề không phải là họ đang kể câu chuyện gì mà là họ đang kể như thế nào mới tạo được sự khác biệt.
Trong số những người làm báo xuất thân từ khoa Văn của Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học - Đại học Huế) ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bùi Ngọc Long là một cây bút tài hoa và đa năng tiêu biểu của thương hiệu “Tổng hợp Văn”. Ngoài việc là một phóng viên “sần sùi”, mạnh mẽ, đáp ứng xuất sắc các yêu cầu thời sự của một tờ nhật báo chính trị - xã hội lớn như Thanh Niên, anh còn nhiều gương mặt khác, như: Một Bùi Ngọc Long thi sĩ mỏng manh, dễ thương tổn; một người viết bút ký - khảo cứu có chiều sâu văn hóa và vốn sống, chữ nghĩa long lanh, đẹp đẽ… Những cây bút như thế trong làng báo, bây giờ không còn nhiều và đang ngày một khan hiếm đi vì rất nhiều lý do khác nhau.
Với Bùi Ngọc Long, khi chào hàng những chủ đề trong “Theo dấu vàng son” với Ban Biên tập Báo Thanh Niên, anh cũng phải trả lời những câu hỏi kiểu “viết để làm gì?” như Bác Hồ từng hỏi với bao nhiêu là lý lẽ để thuyết phục. Nhưng chắc chắn có một câu trả lời nữa mà anh không thể nói được với ai ngoài cam kết với chính mình, là “viết để sau này in thành sách”.
“Viết để sau này in thành sách”. Nói nghe thì đơn giản nhưng đó là một hành trình rất kỳ công, gian nan và không phải người viết báo nào cũng làm được như Bùi Ngọc Long!
Hoàng Văn Minh (giới thiệu)