Dù có nhiều tiềm năng, BID tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Hiện chưa có khung pháp lý chính thức điều chỉnh việc thành lập và vận hành BID, gây khó khăn cho công tác triển khai. Ngoài ra, để mô hình này thành công, cần có sự đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp – những người trực tiếp góp quỹ và hưởng lợi. Phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội để làm rõ hơn tính khả thi của mô hình này ở Hà Nội.
Thưa ông Lê Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, gần đây khái niệm Khu Cải thiện Kinh doanh (Business Improvement District - BID) đang thu hút sự quan tâm trong giới quản lý đô thị. Ông có thể chia sẻ rõ hơn BID là gì?
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội.
BID không đơn thuần là một địa bàn địa lý, mà là một cơ chế quản trị đô thị mang tính sáng tạo và đột phá. Tại đó, các doanh nghiệp và chủ bất động sản cùng nhau đóng góp một khoản phí bổ sung để cải thiện trực tiếp môi trường kinh doanh và chất lượng sống trong khu vực – từ hạ tầng, an ninh, đến các hoạt động quảng bá hình ảnh, văn hóa. Đây là cách cộng đồng tự lực làm đẹp, làm giàu không gian sống của chính mình.
Mục tiêu cốt lõi của BID là tạo ra một không gian đô thị đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư. Các hoạt động của BID thường rất đa dạng: từ việc nâng cấp cảnh quan, tăng cường an ninh, vệ sinh môi trường, đến tổ chức các sự kiện văn hóa - thương mại và các chiến dịch quảng bá hình ảnh khu vực.
Sự quan trọng của BID còn nằm ở khả năng giải quyết những vấn đề mà chính quyền địa phương khó có thể bao quát hết, hoặc những vấn đề cần sự can thiệp nhanh chóng và linh hoạt. BID tạo ra một cơ chế tự quản, nơi các bên liên quan có quyền lợi trực tiếp được tham gia vào quá trình ra quyết định và thực hiện các sáng kiến. Điều này thúc đẩy tinh thần trách nhiệm chung và sự gắn kết chặt chẽ giữa các DN và cộng đồng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho khu vực.
BID không chỉ là “mô hình làm đẹp phố phường” – đó là nền tảng để biến những giá trị văn hóa, thương mại thành động lực phát triển bền vững. Với một Hà Nội giàu bản sắc, nếu biết cách tận dụng BID, mỗi con phố hoàn toàn có thể trở thành một “Times Square” phiên bản Việt.
BID đã được áp dụng ở đâu và mang lại kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?
Ví dụ như Times Square, New York City, Hoa Kỳ, vào thập niên 1980 từng là một khu vực đầy rẫy tệ nạn và ô nhiễm. Nhờ sự ra đời của Times Square Alliance BID, khu vực này đã “lột xác” trở thành một trong những địa danh du lịch nổi tiếng nhất thế giới về sạch sẽ, an toàn và luôn nhộn nhịp. Các khoản đầu tư từ BID vào an ninh, vệ sinh, chiếu sáng và tổ chức sự kiện đã đóng vai trò then chốt trong quá trình hồi sinh này.
Hay như New West End Company – London, Vương quốc Anh, một BID quản lý các khu mua sắm sầm uất như Oxford Street, Regent Street và Bond Street. Ngoài việc thu hút đầu tư và cải thiện hạ tầng, BID còn chú trọng đến trải nghiệm người tiêu dùng và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm nâng cao sức hút của khu vực…
Tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, khái niệm BID đang bắt đầu được quan tâm và nghiên cứu ứng dụng. Việc thí điểm mô hình BID tại các khu phố cổ, phố đi bộ hay trung tâm thương mại sầm uất có thể đem lại nhiều lợi ích như thúc đẩy kinh tế đêm và du lịch. BID có thể góp phần kéo dài thời gian hoạt động, tăng mức chi tiêu của du khách, qua đó phát triển kinh tế ban đêm - một xu hướng mới đang được các đô thị toàn cầu theo đuổi.
BID còn giúp các doanh nghiệp cùng nhau đầu tư để cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, thân thiện và hấp dẫn hơn nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm đô thị. Cải thiện hạ tầng và tiện ích công cộng từ hệ thống chiếu sáng, cây xanh đến vệ sinh môi trường… bằng nguồn lực xã hội hóa từ BID. Tăng cường an ninh trật tự bằng các biện pháp như lắp đặt camera, thuê đội tuần tra riêng giúp khu vực có thể trở nên an toàn và văn minh hơn.
Những ví dụ này cho thấy BID không chỉ là một công cụ “làm đẹp” đô thị, mà còn là một cơ chế kinh tế mạnh mẽ, thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng việc làm và nâng cao doanh thu cho các DN trong khu vực.
Với Hà Nội, theo ông, mô hình này có khả thi không?
Tôi tin là khả thi. Ví dụ như tuyến phố cổ với "36 phố phường" của Hà Nội, với từng ngóc ngách thấm đẫm câu chuyện lịch sử, bỗng chốc trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ cho cả du khách và người dân. Mô hình có thể biến hóa những giá trị văn hóa ấy thành động lực kinh tế mạnh mẽ, đồng thời bảo tồn nguyên vẹn hồn cốt di sản là BID - mô hình tổ chức không gian đô thị đầy tiềm năng, được xây dựng trên nền tảng hợp tác công - tư, nơi văn hóa và thương mại cùng thăng hoa.
BID nếu được triển khai ở đây sẽ không chỉ cải thiện mỹ quan đô thị, mà còn kích hoạt kinh tế ban đêm – một xu hướng đang được thế giới theo đuổi. Điều quan trọng là làm sao để BID trở thành nơi dung hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển thương mại.
Với những thành công nổi bật trên thế giới, BID có tiềm năng trở thành một “làn gió mới”, góp phần thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng sống tại các đô thị Việt Nam.
Thưa ông, đâu là rào cản lớn nhất và cần làm gì để BID có thể vận hành hiệu quả tại Việt Nam?
Vấn đề đầu tiên là chưa có khung pháp lý rõ ràng cho việc thành lập và vận hành BID; chưa có luật hoặc văn bản pháp quy chính thức nào quy định về việc thành lập và vận hành BID, gây khó khăn trong việc triển khai.
Tiếp theo là tâm lý e dè của doanh nghiệp, vì BID đòi hỏi sự đồng thuận và đóng góp tài chính tự nguyện. Ngoài ra, thiết lập cơ chế quản lý minh bạch, chuyên nghiệp cũng là thách thức lớn – nếu không rõ ràng, sẽ rất dễ mất lòng tin.
BID sẽ hoạt động hiệu quả khi có sự nhất trí cao từ các doanh nghiệp và chủ bất động sản. Điều này đòi hỏi một quá trình truyền thông, thuyết phục và xây dựng lòng tin kỹ lưỡng nhằm có được sự đồng thuận của cộng đồng DN. Bên cạnh đó việc thiết lập một cơ chế quản lý chuyên nghiệp, minh bạch, có kiểm soát tài chính rõ ràng là điều kiện tiên quyết để duy trì niềm tin và hiệu quả lâu dài cho mô hình này.
Để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, cơ chế vận hành và sự đồng thuận từ các bên liên quan. Chính quyền địa phương cần đóng vai trò dẫn dắt, định hướng và tạo hành lang pháp lý thuận lợi, trong khi cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động, tích cực tham gia và đồng hành để BID trở thành một giải pháp thiết thực, bền vững, mang đến sinh khí mới cho các khu vực đô thị và cộng đồng cư dân tại Việt Nam.
Khi niềm tin được xây dựng, BID sẽ không chỉ là “công cụ quy hoạch” mà còn là “triết lý phát triển” – nơi nhà nước, doanh nghiệp và cư dân cùng tạo nên một không gian sống đáng tự hào.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ tâm huyết và thực tiễn!
Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc