Đừng lặp lại mục tiêu cũ, không có kết quả mới
Thảo luận tại tổ, các đại biểu ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 6,93% là một con số tích cực trong bối cảnh thế giới nhiều xáo trộn. Tuy nhiên, để chạm mốc mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên cho cả năm thì các quý còn lại buộc phải đạt bình quân khoảng 8,4% - đây là một thử thách lớn.
Theo đại biểu Nguyễn Như So, trong bức tranh ấy, khu vực DN tư nhân, vốn được xem là “đòn bẩy tăng trưởng” đang có dấu hiệu suy yếu. Riêng quý 1/2025, mỗi tháng có hơn 26,3 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, cao hơn 8,2% so với số lượng 24,3 nghìn DN thành lập mới và tái gia nhập.
Tuy nhiên, đại biểu So nhìn nhận một cách tích cực rằng “chúng ta không thiếu quyết tâm, cũng không thiếu chính sách”. Ngày 17.5.2025 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68 năm 2025 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
“Tôi cho rằng đây là một bước tiến quan trọng mang tính đột phá về tư duy quản lý và thiết kế thể chế nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phát huy hiệu quả ngay từ những tháng còn lại của năm 2025, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Để chính sách đặc biệt này đi vào thực tiễn, có chuyển biến tích cực, tránh rơi vào tình trạng "lặp lại mục tiêu cũ, nhưng không có kết quả mới", ông So đề nghị cần phải có một cuộc “đại phẫu” thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng bộ ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính cụ thể theo từng lĩnh vực quản lý, có cam kết, có giám sát và có chế tài.
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh)
Theo đại biểu So, đã từng có "Khoán 10" làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhờ dám trao quyền, cắt rào cản đúng chỗ. Giờ đây, nền kinh tế cần một “Khoán 10 mới” cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể.
“Cần mạnh dạn thí điểm cơ chế 'giấy phép im lặng', nếu cơ quan nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì DN được mặc nhiên triển khai”, đề xuất điều này, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng có thể áp dụng trước cho các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án quy mô nhỏ... nhằm thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy từ “xin - cho” sang “cam kết - chịu trách nhiệm”.
Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Như So, nghiên cứu, thể chế chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung lần này bằng việc quy định một điều về nguyên tắc xử lý đối với hành vi vi phạm quan hệ dân sự, kinh tế, theo đó chỉ xử lý hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, có lỗi cố ý rõ ràng và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ưu tiên cơ chế trọng tài, hòa giải.
“Chỉ khi ấy, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự được giải phóng để trở thành trụ cột, chứ không còn phải “đi đường dài với đôi chân trần giữa mê cung thủ tục”, đại biểu nhấn mạnh.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần sớm nghiên cứu ban hành các chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng “một thể chế đủ sâu để nuôi dưỡng, đủ rộng để bảo vệ, đủ linh hoạt để thúc đẩy DN phát triển”. Trong đó tập trung xây dựng các bộ chỉ số đánh giá, đo lường cụ thể có tính định lượng, thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá độc lập có sự tham gia của đại diện DN, hiệp hội, kể cả cơ chế báo cáo ẩn danh, bảo vệ người phản ánh, công khai kết quả thực hiện, cũng như chế tài xử lý nếu không hoàn thành mục tiêu.
“Một điều vô cùng quan trọng là cần phải kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng, liêm chính, không thể để gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái len lỏi, làm méo mó sân chơi, suy yếu niềm tin, bóp nghẹt những DN chân chính và xói mòn lòng tin thị trường như thời gian qua. Đây không chỉ là yêu cầu quản lý, mà là cam kết đạo đức với một nền kinh tế phát triển dựa trên giá trị thật”, đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh.
Hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp thời 4.0
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) quan tâm đến một số giải pháp phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Đại biểu nêu tình trạng được mùa, mất giá trong nông nghiệp vẫn diễn ra, trong khi đó khâu chế biến, chế biến sâu chưa phát triển, nông sản chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, bán tại phân khúc thị trường giá thấp.
Các đại biểu thảo luận tại tổ
Điều đáng lo ngại, phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phục vụ nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, máy móc, thiết bị chế biến) đang nhập khẩu. Mặc dù năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt kết quả tốt, nhưng chúng ta vẫn phải chịu chi phí lớn cho việc nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất; mặc dù giá trị thặng dư lớn, nhưng lợi ích mang lại cho người nông dân không cao.
Vì vậy, bà Lan đề nghị cần ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát để phát huy các ngành có lợi thế của địa phương; hình thành các vùng nguyên liệu ổn định và đủ lớn, đặc biệt là việc tổ chức sản xuất tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung khâu chế biến, nhất là chế biến sâu; hạn chế tối đa xuất khẩu thô, hình thành các vùng nguyên liệu ổn định, đủ lớn.
“Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn trách nhiệm, quyền lợi giữa các chủ thể trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chương trình hỗ trợ, nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau”, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị.
Cũng theo bà Lan, cần tăng cường công tác đào tạo cho nông dân, từng bước hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp trong thời đại 4.0. Họ vừa am hiểu kỹ thuật, vừa làm chủ công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; họ không chỉ là chủ trang trại, doanh nhân nông nghiệp, mà còn biết phát triển các ngành nghề nông thôn, đa dạng hóa sinh kế và tạo ra giá trị gia tăng cho cộng đồng. Từ đó, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, hiện đại, những người làm chủ chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Song song đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo bứt phá thực chất về sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường; có các chương trình nghiên cứu trọng điểm; đề xuất các chính sách đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Lam Thanh