Tạo hành lang pháp lý cho đơn vị sự nghiệp công lập muốn và dám thực hiện tự chủ

Tạo hành lang pháp lý cho đơn vị sự nghiệp công lập muốn và dám thực hiện tự chủ
9 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Chiều 23/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Không lấy tiêu chí sử dụng vốn nhà nước để phân biệt quy trình thực hiện dự án PPP
Các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết dùng một luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của 7 luật hiện hành.
Khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó quy định đối với dự án PPP có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, UBND cấp tỉnh.
Quy trình dự án PPP tại điểm a, Khoản 3, Điều 2 dự thảo Luật có quy định “Dự án không sử dụng vốn nhà nước quy định tại các Điều 70, 71 và 72 của Luật này không phải thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư”.
Theo thuyết minh của cơ quan chủ trì soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung điều này nhằm giản lược quy trình thực hiện đối với một số nhóm dự án nhóm B, nhóm C không sử dụng vốn nhà nước, dự án O&M…; phân cấp thẩm quyền thẩm định nhằm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phạm Thắng
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, cần cải cách, đơn giản các quy trình để đẩy nhanh việc chuẩn bị các dự án PPP. Tuy nhiên, đầu tư PPP là hình thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân cùng thực hiện dự án, Nhà nước tham gia dự án PPP có thể bằng vốn nhà nước hoặc các loại tài sản khác, như đất đai, công trình, cơ sở hạ tầng sẵn có; dù là tài sản nào thì cũng đều là nguồn lực của Nhà nước và đều cần được quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả.
Vì vậy, đại biểu đề nghị không nên lấy tiêu chí có sử dụng vốn nhà nước hay không sử dụng vốn nhà nước để phân biệt quy trình thực hiện dự án PPP.
Khoản 4 Điều 34 của Luật Đầu tư hiện hành quy định: “Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội”.
Tuy nhiên, tại khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi về nội dung này lại bỏ quy định về thời hạn Chính phủ lập và gửi hồ sơ để thẩm tra.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, việc quy định thời hạn là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều dự án Luật, nghị quyết gửi hồ sơ dự án chậm, không bảo đảm tiến độ. Do đó, đề nghị cần giữ nguyên thời hạn theo quy định của Luật hiện hành hoặc nghiên cứu, bổ sung thời hạn cụ thể để các cơ quan của Quốc hội có thời gian nghiên cứu, bảo đảm chất lượng công tác thẩm tra.
Bổ sung quy định xác định giá trị tài sản giao đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư
Quan tâm đến Điều 7 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị bổ sung quy định xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh
Theo đại biểu, Nghị quyết số 19 - NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã nêu rõ: Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công nghiệp sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên, thực hiện quản lý kế toán theo mô hình doanh nghiệp. Các đơn vị được Nhà nước giao vốn, tài sản để thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đủ chi phí đầu vào kể cả khấu hao để xác định giá dịch vụ.
Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 120 ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập có quy định điều kiện thành lập Hội đồng quản lý là: Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được nhà nước giao vốn, tài sản để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại khoản 2, Điều 23 quy định Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao vốn, tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành luật không có quy định về việc xác định giá trị tài sản để giao đơn vị sự nghiệp công quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp. Do đó, Bộ Tài chính chưa có cơ sở, nên chưa hướng dẫn nội dung quy định tại Nghị định 120 nêu trên.
Đại biểu cũng cho biết, Điều 8, Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định về quản lý, sử dụng tài sản công đã nêu rõ, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm quản lý, sử dụng, áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đơn vị sự nghiệp công lập phải trích khấu hao và tính hao mòn tài sản cố định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công để phát triển kinh doanh của đơn vị tài sản hình thành từ Quỹ phát triển sự nghiệp và các nguồn tài sản. Nguồn tài chính hợp pháp của đơn vị sử dụng công lập là tài sản và vốn của Nhà nước và Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định về quản lý tài chính tại Nghị định 60 là tài sản công do đơn vị mình quản lý.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Từ những lý do trên, đại biểu nhấn mạnh, bổ sung quy định xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là phù hợp với chủ trương của Đảng và thực tiễn hiện nay; làm cơ sở pháp lý chắc chắn cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn thực hiện, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng cho các đơn vị sự nghiệp công lập muốn và dám thực hiện tự chủ, đặc biệt là tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.
“Trong thực tế nếu cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được nhận cơ chế hoặc nhận tiền thì các đơn vị này muốn nhận cơ chế; tuy nhiên nếu được cả cơ chế và được cả tiền, thì các đơn vị cũng sẽ rất hoan hỉ”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nói.
Hoàng Ngọc
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-cho-don-vi-su-nghiep-cong-lap-muon-va-dam-thuc-hien-tu-chu-10373572.html