Tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trong lựa chọn nhà thầu

Tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trong lựa chọn nhà thầu
6 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình).
Gỡ vướng về chỉ định thầu
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, chiều nay (23/5), nhiều đại biểu đánh giá rất cao dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đặc biệt là quy định về chỉ định thầu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá cao dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của từng gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Về chỉ định thầu, các đại biểu cũng đồng tình với dự thảo là giao Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính chủ động và linh hoạt.
“Quy định về chỉ định thầu được sửa đổi theo hướng là không quy định chi tiết các trường hợp chỉ định thầu mà quy định về yêu cầu đối với các gói thầu thuộc dự án dự toán mua sắm, đồng thời phân cấp cho Chính phủ quy định chi tiết về các trường hợp chỉ định thầu, điều kiện và quy trình thực hiện chỉ định thầu rất hợp lý, tạo sự linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay”, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) khẳng định.
Tuy vậy, đại biểu cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc được chỉ định loại gói thầu có liên quan đến việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch vì đây là lĩnh vực mang tính chất rất đặc thù và mỗi sự kiện là một sản phẩm mang dấu ấn sáng tạo riêng biệt của từng đơn vị, từng cá nhân gắn với bối cảnh không gian, thời gian cũng như đặc trưng văn hóa của từng địa phương. Mỗi chương trình đều cần sự khảo sát công phu, xây dựng ý tưởng ngay từ đầu, có tính liền mạch từ kịch bản tổng thể đến từng hạng mục để triển khai. Nếu tổ chức đấu thầu rộng rãi như hiện nay đối với các gói thầu kỹ thuật thông thường sẽ rất khó có được bộ tiêu chí đủ khách quan để đánh giá, phân loại chấm thầu gắn với tính đặc thù như nêu trên.
Hơn nữa, thời gian thực hiện các bước trong quy trình đấu thầu thường rất kéo dài, trong khi đó yêu cầu về tiến độ tổ chức sự kiện thường phải nhanh, gấp, chất lượng đòi hỏi phải cao, chương trình đòi hỏi hấp dẫn, sáng tạo và đảm bảo đúng tiến độ, mà tất cả những yếu tố này đều cần thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) kiến nghị: quy định trong dự thảo luật về chỉ định thầu có bổ sung quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu có yêu cầu cấp bách khẩn cấp cần triển khai, có yêu cầu về bảo vệ bí mật nhà nước có duy nhất một nhà thầu… sẽ phát sinh thêm nhu cầu phải thẩm định việc đáp ứng các quy định trên trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, đại biểu nghị bổ sung trách nhiệm thẩm định và thẩm quyền quyết định các quy định trên.
Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng đánh giá cao Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đại biểu, dự thảo sẽ gỡ nút thắt kéo dài nhiều năm đối với các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế khi các bệnh viện tự chủ tài chính và có nguồn thu hợp pháp từ các hoạt động, mà nguồn thu chính là thu từ dịch vụ y tế.
Đối với ưu đãi trong đấu thầu với các sản phẩm, hàng hóa xúat xứ Việt Nam, đại biểu đánh giá đây là chủ trương hết sức đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cũng như thúc đẩy sản phẩm nội địa phát triển công nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, ưu tiên hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tích cực, hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước và nhất là bối cảnh Việt Nam chúng ta đang đẩy mạnh các chính sách phát triển công nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy vậy, đại biểu đề nghị phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch để xác định thế nào là sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam.
Tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về lựa chọn nhà thầu
Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã khắc phục được những hạn chế, bất cập như làm chậm tiến độ, đội chi phí, chất lượng thấp, gây thất thoát và ảnh hưởng đến cán bộ, tháo gỡ được những vướng mắc và thật sự đáp ứng được yêu cầu như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu, đó là hiệu quả cao nhất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và thực hiện các công trình, dự án tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu.
Dự thảo luật quy định trao quyền cho chủ đầu tư được tự quyết định và chịu trách nhiệm áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu (đấu thầu, chỉ định thầu, đặt hàng…) theo nguyên tắc bảo đảm tiến độ, chất lượng và không được làm tăng tổng mức đầu tư, mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu dự án. Dự thảo luật cũng bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các gói thầu này bảo đảm phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Về đấu thầu thuốc, tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, dự thảo luật tiếp tục sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế theo hướng trao quyền để cơ sở y tế công lập tự chủ tài chính thuộc nhóm 1, nhóm 2 được tự quyết định hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế không sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này sẽ tạo thuận lợi để các cơ sở y tế được đàm phán trực tiếp, giảm giá mua sắm với các nhà cung ứng, áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp với kỹ thuật và giá, phương pháp đánh giá theo các tiêu chí kỹ thuật đối với các gói thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế, nâng tỷ trọng điểm về kỹ thuật để lựa chọn được nhà thầu có giải pháp công nghệ tốt, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và hiệu quả.
Nhằm bảo đảm công tác đấu thầu thực chất, minh bạch, hiệu quả, lựa chọn được nhà thầu có năng lực và xác định được trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi tổ chức đấu thầu để xảy ra sai phạm, dự thảo luật đã bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu dự thầu thấp nhất, bất thường và đột biến.
Theo đó, sẽ cụ thể hóa trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu, các tổ chuyên gia và các bên liên quan trong từng bước quy trình. Đồng thời, quy định chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, như cấm tham gia đấu thầu, xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng như thông thầu, gian lận.
Yêu cầu chủ đầu tư phải đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tạo cơ sở dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tăng tính minh bạch, tạo cơ sở giám sát và đánh giá uy tín nhà thầu.
Đẩy mạnh đấu thầu điện tử nhằm tăng cạnh tranh, giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, tăng tính công khai, minh bạch. Ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận, hạn chế can thiệp chủ quan trong đấu thầu.
Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu về đề nghị bổ sung chỉ định thầu đối với các gói thầu đặc thù như tổ chức sự kiện văn hóa, du lịch, nâng hạn mức chỉ định thầu hay bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền quyết định, chỉ định thầu cần có nhà thầu có năng lực và giảm giá tốt đem lại hiệu quả cho gói thầu…, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp thu trong các nghị định hướng dẫn chi tiết.
Theo Bộ trưởng, dự thảo luật đã bổ sung cơ chế chỉ định thầu cần phải đàm phán giá để đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho chủ đầu tư trong quá trình mời thầu.
T.L
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tu-quyet-dinh-tu-chiu-trach-nhiem-trong-lua-chon-nha-thau-d289062.html