Cảnh Hội đồng thẩm định.
Báo cáo tại Hội đồng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh cho biết, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển NOXH để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.
Trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển NOXH đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân nói chung, cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách NOXH nói riêng.
Mặc dù đã đạt một số kết quả quan trọng nêu trên, tuy nhiên việc phát triển NOXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chưa có Quỹ tài chính để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án NOXH; thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NOXH còn phức tạp, kéo dài thời gian; dự án đầu tư xây dựng NOXH phải thực hiện lần lượt các thủ tục quy hoạch, thiết kế, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư;
Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp không được thuê NOXH của các chủ đầu tư để cho cá nhân là người lao động của mình để ở; chưa có quy định để đa dạng hóa nguồn lực cho địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ, tạo quỹ đất, giải phóng mặt bằng để phát triển NOXH.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh.
“Những vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm: “Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội” nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án NOXH…”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh nói và cho biết, Dự thảo Nghị quyết bao gồm 12 Điều, với một số nội dung cơ bản: thành lập Quỹ phát triển NOXH quốc gia; thủ tục giao chủ đầu tư dự án NOXH không sử dụng vốn đầu tư công và nguồn tài chính công đoàn;
Giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; thủ tục quy hoạch; thủ tục đầu tư xây dựng NOXH; thuê NOXH của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp…
Phát biểu tại Hội đồng, ông Nguyễn Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nêu vấn đề, “có cần thiết quy định cơ chế đặc thù là giao cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, tức Sở Xây dựng chủ trì trình chấp thuận chủ trương đầu tư hay không”. “Dự thảo Nghị quyết đang quy định chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư, theo tôi nên giao về cơ quan quản lý Nhà ở”, ông Châu đề xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM.
Bên cạnh đó, ông Châu còn đề nghị nên lồng ghép các thủ tục quy định tại khoản 2, điều 7 Dự thảo Nghị Quyết tại thời điểm cấp Giấy phép xây dựng, thẩm định luôn cả thiết kế xây dựng; trường hợp dự án NOXH đã có thiết kế mẫu, đề nghị miễn Giấy phép xây dựng và miễn các thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; đề nghị bổ sung cơ chế, hành lang pháp lý để giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, vì hiện nay cán bộ công chức gần tuổi nghỉ hưu nhưng chưa được tiếp cận nhà ở…
Ông Nguyễn Cao Cường, chuyên viên của Cục Quản lý xây dựng cơ bản và doanh trại Bộ Công an, đề nghị bỏ cụm từ “chương trình phát triển nhà ở” tại khoản 1, điều 5, Dự thảo; đề nghị bổ sung quy định “đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, không yêu cầu có quyết định chấp thuận chủ đầu tư”.
Ông Bùi Tiến Thành, Phòng Phát triển Đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng đây là Nghị Quyết đặc thù, có thể triển khai được ngay, các quy định rõ ràng. Góp ý từng điều khoản cụ thể, ông Thành cho rằng, tại điều 3, nên thành lập Quỹ phát triển nhà nhà ở của địa phương, nếu không có các quỹ này, rất khó có thể hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển NOXH; điều 4 về giao chủ đầu tư dự án NOXH, ông Thành cho rằng nên thống nhất một cơ quan, Sở Xây dựng là đầu mối, không nên giao 2 cơ quan cùng lúc, như thế sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện…
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Thị Hoàng Thanh.
Kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Thị Hoàng Thanh ghi nhận Dự thảo có nhiều giải pháp vượt trội, khả thi, có thể thực hiện được; Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu góp ý của các đại biểu, nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa Dự thảo Nghị quyết cho phù hợp: Mô hình của Quỹ cần tính toán để không trùng lắp với các quỹ khác; cân nhắc tách điều 5 thành 2 điều khoản riêng; cần quy định rõ điều 10… Đồng thời khẳng định Dự thảo Nghị Quyết đủ căn cứ trình Chính phủ./.
Hồng Mây