Chia 3 nhóm khách hàng để tính giá điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương đề xuất về cơ chế giá điện 2 thành phần. Đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn tính toán, xây dựng Đề án "Nghiên cứu, xây dựng lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần (giá công suất, giá điện năng) cho các nhóm khách hàng sản xuất và kinh doanh". Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương cho biết, nội dung đề án đã được hoàn thiện.
Giá điện hai thành phần có thể được áp dụng ngay từ 1/1/2025.
Theo đề án, EVN đề xuất phương án cơ sở là hệ thống giá thuần túy phản ánh chi phí cung cấp điện và có xét tới đặc điểm tiêu dùng điện của các nhóm khách hàng. Đồng thời phân loại theo nhóm khách hàng gồm khách hàng ngoài sinh hoạt; khách hàng sinh hoạt có sản lượng tới 2.000kWh/tháng; khách hàng có sản lượng trên 2.000kWh/tháng; phân loại theo cấp điện áp gồm 4 cấp là siêu cao áp, cao áp, trung áp và hạ áp.
Với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, EVN đề xuất chung một biểu giá điện hai thành phần theo dạng giá công suất (đồng/kW) và giá điện năng cao thấp điểm (đồng/kWh). Đây là ba nhóm gồm sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp trong hệ thống giá hiện hành.
Khách hàng sinh hoạt có quy mô, sản lượng tiêu dùng lớn hơn 2.000kWh/tháng, giống như khách hàng ngoài sinh hoạt nhưng tiêu dùng ở cấp điện áp hạ áp. Thống kê cho thấy nhóm này lên tới 56.000 khách hàng, việc trang bị hệ thống đo đếm hai thành phần là chưa thể thực hiện ở giai đoạn trước mắt.
Vì vậy giai đoạn đầu chưa đề xuất áp dụng mà có thể xem xét phương án giá hai thành phần theo cách thức áp dụng với hộ có sản lượng dưới 2.000kWh/tháng, tức là thu giá cố định theo gói và giá điện năng không đổi.
Với nhóm khách hàng có sản lượng tiêu dùng thấp (dưới 2.000kWh/tháng), biểu giá sinh hoạt hai thành phần sẽ bao gồm giá cố định theo quy mô tiêu dùng và giá điện năng đồng giá (mức 1.598 đồng/kWh).
Do nhóm này có lượng khách hàng đông, nhóm khách hàng tiêu dùng dưới 50kWh/tháng vẫn đang được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ. Vì vậy quy mô tiêu dùng để tính giá cố định đang được xây dựng theo dạng bậc thang hiện hành.
Về lộ trình áp dụng cơ chế giá mới này, đơn vị tư vấn đề nghị gồm giai đoạn thử nghiệm, giai đoạn chuyển đổi, và áp dụng chính thức. Với giai đoạn thử nghiệm, sẽ thực hiện trên dữ liệu thời gian thực, song song áp dụng biểu giá bán lẻ điện hiện hành để tính hóa đơn tiền điện đến hết năm 2024.
Sau khi giai đoạn thử nghiệm kết thúc, quá trình hoàn thiện biểu giá hai thành phần, chuẩn bị đầy đủ hành lang pháp lý và các điều kiện liên quan khác, sẽ chính thức áp dụng giá điện hai thành phần cho toàn bộ khách hàng ở Nghị định 80, thay thế cho biểu giá điện hiện tại. Các nhóm khách hàng khác tiếp tục thực hiện biểu giá hiện hành.
Phương án lý tưởng là từ ngày 1/1/2025 sẽ triển khai cho toàn bộ khách hàng, nếu như giai đoạn thử nghiệm đề xuất trên được triển khai và kết thúc như dự kiến.
Cùng mức điện năng tiêu thụ nhưng hóa đơn tiền điện có thể khác nhau
TS Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia Hội đồng khoa học năng lượng Việt Nam lấy ví dụ với một hộ sản xuất thép hoặc một nhà máy chế biến thủy sản, cần có nhu cầu công suất rất lớn, khoảng 1.000kW. Như vậy, ngành điện sẽ phải lập trạm biến áp, đường dây, quản lý vận hành... cung ứng đủ nhu cầu là 1.000kW.
Trong trường hợp những nhà máy này cắt giảm sản xuất, sản lượng điện tiêu thụ giảm thì sẽ chỉ phải trả tiền điện dựa trên số kWh điện sử dụng thực tế. Tuy nhiên, ngành điện lại phải chịu lỗ các chi phí vận hành, quản lý, đầu tư do dư thừa công suất.Việc áp dụng giá điện hai thành phần để đảm bảo dù không sử dụng hết công suất đã đăng ký, đơn vị sử dụng điện vẫn phải chi trả các chi phí này.
Do đó, chưa thể đánh giá chính xác việc áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần này sẽ khiến cho giá điện thực tế phải chi trả tăng hay giảm. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng là việc cấp điện sẽ luôn ổn định, nguồn điện được phát triển đúng với nhu cầu thực tế sử dụng.
Tương tự với hộ sinh hoạt, nếu áp dụng cơ chế này, tiền điện cũng sẽ được tính toán khác nhau. Ví dụ, hai hộ tiêu dùng điện cùng tiêu thụ sản lượng 20 kWh/ngày, nhưng nếu đăng ký công suất khác nhau thì chi phí tiêu thụ điện sẽ khác nhau. Đây là điểm khác biệt, thay vì phải trả một hóa đơn giống nhau như hiện nay.
"Người sử dụng công suất như nhau nhưng thời gian sử dụng điện 24/24 giờ sẽ có mức giá khác với người chỉ sử dụng điện từ 3-5 giờ, thì hai giá sẽ khác nhau. Vì vậy khi đưa giá công suất vào, buộc khách hàng sử dụng điện cân nhắc đăng ký mức công suất tiêu thụ cho phù hợp. Việc này tránh tình trạng hiện nay là lắp đặt công suất lớn nhưng thực tế sử dụng điện không theo kịp sẽ khiến ngành điện lỗ và lãng phí đầu tư" - ông Hoạch nói.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN - cho biết, hiện mỗi cấp điện áp có mức đầu tư, phân phối với chi phí khác nhau. Việc áp giá điện hai thành phần sẽ tính đúng và đủ chi phí cho từng cấp điện áp. Doanh nghiệp có thể cam kết mua ở một mức công suất nào đó như kiểu thuê bao. Việc này sẽ giúp tránh được tình trạng đăng ký mua vống lên lượng điện lớn nhưng không dùng hết công suất.
Việc áp giá điện hai thành phần chỉ là bước đầu trong việc tiến dần đến minh bạch hơn giá điện chứ chưa thể giúp thanh lọc doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện.
"Khi giá điện đạt đến mức minh bạch nhất, chỉ còn 2 đối tượng sinh hoạt và ngoài sinh hoạt thay vì nhiều đối tượng (sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sự nghiệp, nông nghiệp…), thị trường sẽ không còn cảnh bù chéo trong giá điện như hiện nay", ông Lâm nói.
Tô Hội