Chuẩn đầu vào đối với cử nhân, thạc sĩ ngành công nghiệp bán dẫn chú trọng năng khiếu, học lực các môn khoa học tự nhiên, chính xác. (Sinh viên Trường Đại học Đại Nam tham gia khóa học về công nghệ bán dẫn - Thiên Ân).
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn đối với bậc đào tạo đại học và thạc sĩ. Theo đó, có 75 ngành đào tạo ở cả bậc đại học và thạc sĩ được xác định là phù hợp để phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó bao gồm các lĩnh vực then chốt như: Kỹ thuật điện - điện tử, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ điện tử, Khoa học vật liệu, Công nghệ nano, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, và nhiều chuyên ngành liên quan.
Theo chuẩn đầu vào mới ban hành, thí sinh muốn theo học chương trình đại học ngành bán dẫn phải đạt tối thiểu 8 điểm môn Toán, tương đương khoảng 24 điểm tổ hợp ba môn thi. Với trình độ thạc sĩ, ứng viên phải tốt nghiệp đại học đúng ngành và có điểm trung bình tích lũy từ 2,8/4 trở lên.
Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, chuẩn đầu vào cao là cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo thực chất, không chạy theo số lượng, đồng thời phù hợp với yêu cầu khắt khe của ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao đến 2030
Chuẩn chương trình đào tạo mới là một phần trong Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của chương trình là đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực trình độ đại học trở lên. Trong đó có ít nhất 15.000 người làm trong công đoạn thiết kế vi mạch (fabless); 35.000 người trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử; 5.000 người có chuyên môn cao về AI và thiết kế phần mềm bán dẫn.
Chuẩn đầu ra được xây dựng dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam kết hợp với thang tư duy Bloom – một hệ thống phân loại cấp độ nhận thức, từ ghi nhớ đến đánh giá và sáng tạo. Theo đó, sinh viên khi tốt nghiệp không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn phải đạt được các năng lực về: tư duy phản biện, sáng tạo; giao tiếp kỹ thuật chuyên sâu; làm việc nhóm trong môi trường đa ngành.
Theo Quyết định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo được phép triển khai chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học và thạc sĩ cần có tối thiểu 5 tiến sĩ đúng chuyên ngành bán dẫn; đồng thời phải liên kết với ít nhất 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực để tổ chức thực hành, thực tập, nghiên cứu. Phương pháp đào tạo hướng đến học tập trải nghiệm, học theo dự án, tăng cường tương tác với doanh nghiệp thực tế.
Ngân sách hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hiện đại hóa phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia và các phòng lab tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập trên cả nước.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng kinh phí đề xuất cho việc hoàn thành mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 là khoảng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó 17.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, phân bổ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ sinh thái và các nhiệm vụ khác.
Bên cạnh đó, Chỉ thị 43/CT-TTg ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất miễn, giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ chỗ ở ký túc xá và có chính sách thu hút học sinh sinh viên vào các ngành bán dẫn. Công văn 7781/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các trường đại học dành chính sách ưu tiên tài chính và học thuật cho người học ngành bán dẫn.
Theo quan sát thực tế, hiện nay các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ cao (ví dụ như như Bắc Ninh) đã ban hành chính sách hỗ trợ học phí từ 1,6 đến 2,9 triệu đồng/tháng cho sinh viên học ngành này. TP. Hồ Chí Minh hiện cũng đang nghiên cứu thành lập “Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch” trị giá 5 triệu USD nhằm đào tạo khoảng 40.000 kỹ sư đến năm 2030.
Thạch Bình