Thị trường âm nhạc thế giới trước 'sóng thần' AI

Thị trường âm nhạc thế giới trước 'sóng thần' AI
10 giờ trướcBài gốc
Những sản phẩm âm nhạc do AI tạo ra tiếp tục trở nên quen thuộc với người nghe nhạc, từ những giai điệu của bài hát "10 Drunk Cigarettes" đến "BBL Drizzy". Tuy nhiên, mặc dù âm nhạc do AI tạo ra gần đây đã trở nên phổ biến, việc sử dụng công nghệ này cũng gặp phải nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ của giới nghệ sĩ.
Biểu tượng của OpenAI và ChatGPT. Ảnh: AFP/TTXVN
Mùa Hè 2024, các công ty giải trí, thu âm gồm Universal Music Group, Sony Music Entertainment và Warner Music Group đã kiện những công ty âm nhạc AI là Uncharted Labs và Suno vì phần mềm cho phép người dùng sáng tạo âm nhạc, cáo buộc rằng các bài hát có bản quyền đã được sử dụng mà không được phép để đào tạo AI. Các hãng thu âm đã nhanh chóng xóa những bản nhạc có phiên bản AI của giọng hát của các ca sĩ Drake và The Weeknd.
Trong năm 2024, hơn 200 nghệ sĩ âm nhạc, bao gồm Billie Eilish, Stevie Wonder và Nicki Minaj, đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi các công ty AI "ủng hộ việc chống lại sử dụng AI để đánh cắp giọng hát và hình ảnh của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, vi phạm quyền của người sáng tạo và phá hủy hệ sinh thái âm nhạc".
Trong khi đó, dù vấp phải sự phản đối, các công ty âm nhạc AI vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động của họ. Các trang web như Sound Draw, Musicfy, AIVA và Boomy cho phép người dùng dễ dàng tạo nhạc bằng AI bằng nhiều "nguyên liệu đầu vào" khác nhau. Người dùng có thể chọn từ nhiều thể loại nhạc khác nhau rồi điều chỉnh những thứ như tiết tấu, nhịp điệu và nhạc cụ xuất hiện trong bản nhạc.
Giám đốc sáng tạo của Boomy, Cassie Speer, cho biết người dùng không cần phải học nhạc hay mua những thiết bị công nghệ mới. Có rất nhiều thứ người dùng cần làm để có thể sáng tác nhạc và mục tiêu của Boomy là bất kỳ ai muốn thử nghiệm sự sáng tạo cũng có thể vào trang web của họ và dễ dàng thực hiện ý tưởng của mình.
Bà Speer tích cực thúc đẩy hoạt động đào tạo về công nghệ AI tạo sinh và quảng báo về Boomy. Bà hy vọng công nghệ AI có thể giúp các học sinh xuất thân từ những gia đình có thu nhập thấp có thể tiếp cận gần hơn với âm nhạc.
Việc tiếp cận giáo dục âm nhạc đang ngày càng thu hẹp tại các trường công lập ở Mỹ. Theo Arts Education Data Project, dự án thu thập và phân tích dữ liệu do một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục nghệ thuật thực hiện, 8% học sinh không được tiếp cận giáo dục âm nhạc tại các trường công lập ở Mỹ.
Các công ty âm nhạc AI nỗ lực mở rộng hoạt động với mục tiêu AI có thể hạ thấp rào cản trong việc sáng tạo âm nhạc và phổ cập hóa hình thức nghệ thuật này. Công ty phần mềm Musicfy cho biết trong một bài đăng trên blog rằng công nghệ của họ “cho phép người mới bắt đầu tập trung vào sự sáng tạo thay vì phải đối mặt với các thách thức về kỹ thuật”. Trong khi đó, nhạc sĩ người Canada (Ca-na-đa) Grimes cũng mời người hâm mộ của mình sáng tác nhạc bằng giọng hát của cô do AI tạo ra.
Tuy vậy, không phải tất cả các nhạc sĩ đều hào hứng với sự phát triển công nghệ nói trên. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Genevieve Libien lo ngại xu hướng này sẽ khiến mọi bài hát trong tương lai sẽ đều na ná nhau.
Các chuyên gia sáng tạo trong nhiều ngành đã đồng tình với sự quan ngại của cô Libien về cách AI có thể ảnh hưởng đến nghệ thuật và các ngành nghề sáng tạo. Tháng 9/2023, các nhà văn đã chấm dứt một trong những cuộc đình công dài nhất trong lịch sử của kinh đô điện ảnh Hollywood sau khi các công ty phim và truyền hình đồng ý tuân thủ những quy định về cách sử dụng AI trong ngành này.
Theo hãng tin AP, năm nay, Tennessee là tiểu bang đầu tiên của Mỹ có hành động pháp lý để bảo vệ các nhạc sĩ và nghệ sĩ trước làn sóng AI khi thông qua dự luật nhằm đảm bảo rằng các công cụ AI không được sử dụng để sao chép giọng nói của nghệ sĩ mà không có sự đồng ý của họ.
Anh Quân (Theo NBC News)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/thi-truong-am-nhac-the-gioi-truoc-song-than-ai/348705.html