Tình trạng hạn chế về nguồn cung mới và việc các dự án tạm ngưng bán vẫn chưa tái khởi động đã khiến nguồn cung sơ cấp toàn thị trường TP.HCM giảm 24% so với quý trước, đạt khoảng 5.000 căn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung sơ cấp vẫn có mức tăng nhẹ 2%.
Thiếu nguồn cung căn hộ vừa túi tiền
Bên cạnh sự sụt giảm về nguồn cung, thị trường bất động sản TP.HCM trong quý đầu năm 2025 cũng chứng kiến sự chậm lại đáng kể trong hoạt động giao dịch. Lượng giao dịch toàn thị trường giảm mạnh 46% so với quý trước, chỉ đạt khoảng 1.400 căn.
Nguồn cung mới lại có tỷ lệ hấp thụ tốt hơn đáng kể, đạt 61%. Điều này cho thấy người mua hiện nay có xu hướng khắt khe hơn trong quyết định mua nhà, ưu tiên các dự án mới có vị trí thuận lợi, pháp lý minh bạch và tiềm năng hưởng lợi từ sự phát triển của cơ sở hạ tầng trong tương lai.
Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản TP.HCM trong quý tới dự kiến sẽ có những biến động khi các dự án tạm ngưng bán rục rịch quay trở lại thị trường và nguồn cung mới có thể được bổ sung. Tuy nhiên, bài toán về nguồn cung nhà ở vừa túi tiền vẫn là một thách thức lớn đối với thị trường trong bối cảnh hiện tại.
Bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & S22M, Savills TP.HCM
Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M (Savills Việt Nam) nguồn cung căn hộ Hạng C, phân khúc được người mua quan tâm nhất, tại TP.HCM vẫn đang ở mức thấp.
“Nguyên nhân chính gây tắc nghẽn nguồn cung căn hộ vừa túi tiền xuất phát từ hai yếu tố: thứ nhất, quỹ đất tại TP.HCM ngày càng khan hiếm; thứ hai, giá đất và các chi phí phát triển, xây dựng đều tăng cao. Do đó, các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất có xu hướng ưu tiên phát triển các phân khúc trung và cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận, thay vì tập trung vào phân khúc vừa túi tiền với biên lợi nhuận thấp hơn” - bà Giang Huỳnh nói.
Bên cạnh đó, trong vài năm qua, các thủ tục pháp lý dự án bị tắc nghẽn, nên nguồn cung nhà ở chưa hồi phục. Tuy vậy, theo đánh giá của chuyên gia từ Savills, triển vọng các khung luật mới, và chính sách mới, dự kiến sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai dự án trở lại, từ đó khơi thông nguồn cung nhà ở trong trung và dài hạn.
Giao dịch giảm trong Quý 1 là đúng quy luật của thị trường
Theo những chuyên gia bất động sản, tính thanh khoản của thị trường bất động sản trong Quý 1 hàng năm thường thấp. Thị trường sau những tháng cuối năm sôi động hay “chạy nước rút” sẽ trầm lại, lúc này người mua nhà cũng ít và hàng mới trên thị trường càng ít. Các chủ đầu tư dự án bất động sản thường không ra hàng vào Quý 1 mà chọn những thời điểm thích hợp trong năm.
TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2025 sẽ tiếp tục đà tăng và nóng ở nhiều phân khúc, nhiều khu vực. Trong năm 2024, thị trường miền Bắc, Hà Nội tăng trưởng cao, đến năm nay sẽ tiếp tục đà tăng và lan tỏa vào khu vực miền Trung, miền Nam, TP.HCM.
Ảnh minh họa
"Căn hộ chung cư, chủ yếu là phân khúc cao cấp, tiếp tục dẫn dắt thị trường. Loại hình biệt thự/liền kề ở các dự án thuộc các đại đô thị tiếp tục tạo chú ý với tiêu chuẩn hoàn thiện ngày càng ấn tượng, cùng với đó là mức giá bán cũng "neo" ở mức cao” - TS. Nguyễn Văn Đính đánh giá.
Nghị quyết 170 và Nghị quyết 171 có thể giúp giải phóng khoảng 1.000 dự án đang ách tắc, tương đương 30 tỷ USD. Khi dòng vốn này được khai thông sẽ tạo cú hích lớn cho nền kinh tế, khơi dậy niềm tin từ doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo đà phát triển cho thị trường, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết thêm.
Về giá bất động sản, giá căn hộ TS. Nguyễn Văn Đính nhận định, giá giảm nhẹ hay điều chỉnh ở thị trường thứ cấp là cần thiết sau khi đã tăng tới 50-70% trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định đây chỉ là khoảng dừng, nghỉ tạm thời khi giá nguyên liệu đầu vào giá đất tăng sẽ tác động lớn đến giá bất động sản. Bên cạnh đó, nguồn cung căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội cũng cần một vài năm nữa mới tới được tay người mua nhà và mất 5 năm theo quy định những căn hộ này mới tham gia được quá trình giao dịch mua bán trên thị trường.
Phương Hoài/VOV.VN