Thị trường bất động TP. Hồ Chí Minh sôi động sau sáp nhập

Thị trường bất động TP. Hồ Chí Minh sôi động sau sáp nhập
9 giờ trướcBài gốc
Không gian TP. Hồ Chí Minh được mở rộng, cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển. Ảnh: CTV
Cơ hội vàng để tái cấu trúc
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc “giải phóng” không gian đô thị thông qua việc sáp nhập, hứa hẹn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển vượt bậc. Việc mở rộng địa giới hành chính không chỉ hóa giải những vấn đề cố hữu như ngập lụt hay tắc nghẽn giao thông do sự hiện diện của 14 khu công nghiệp nội đô, mà còn kiến tạo một tầm vóc mới cho đô thị.
Việc sáp nhập được ví như một “cơ hội vàng” để tái cấu trúc kinh tế, đặc biệt là khai thác tối đa tiềm năng không gian hướng biển. Ba tọa độ chiến lược khi hợp nhất sẽ tạo nên một liên kết vững chắc, thúc đẩy sự vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước.
Một trong những thay đổi quan trọng sau sáp nhập chính là xu hướng dịch chuyển dân cư. Từng được biết đến qua cụm từ quen thuộc “đi Bình Dương”, dòng người từ TP. Hồ Chí Minh nay tiếp tục xuôi về hướng Đông – cụ thể là khu vực Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh (tức Bình Dương cũ).
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, khu vực này đang dần hình thành một “công thức đô thị hoàn toàn khác biệt”, với cấu trúc và định hướng phát triển độc lập, tạo nên một lực hút mạnh mẽ cho cả nhà đầu tư lẫn người dân có nhu cầu ở thực.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, cho rằng, việc sáp nhập sẽ kéo giá trị bất động sản khu Đông Bắc tiệm cận với TP. Hồ Chí Minh (cũ), cả về giá và chất lượng dự án. Khi chất lượng sống ngày càng được nâng cao, các dự án phải đáp ứng tiêu chuẩn mới: pháp lý minh bạch, quy hoạch bài bản, chú trọng yếu tố xanh, thông minh và tiện ích đa tầng.
Cũng theo ông Đính, phân khúc căn hộ sẽ là tâm điểm của thị trường thời gian tới. Minh chứng rõ nét là tỷ suất lợi nhuận cho thuê tại khu Đông Bắc hiện đạt tới 7,5%/năm – con số kỷ lục trên thị trường chung cư hiện nay. Dòng tiền đang “chạy” về nơi có dư địa tăng giá lớn, hạ tầng hoàn thiện và khả năng sinh lời rõ ràng.
Song song đó, bất động sản công nghiệp tại khu vực này cũng đang tái cấu trúc đồng bộ, thu hút FDI và kéo theo sự hình thành của các cộng đồng chuyên gia, kỹ sư, lao động tay nghề cao càng thúc đẩy nhu cầu nhà ở chất lượng, đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp.
“Dư địa và cơ hội tăng trưởng của thị trường phía Nam, đặc biệt là Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh đang lớn dần và sóng bất động sản cũng đang bắt đầu hình thành, thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Nam tiến đang trở thành xu hướng tất yếu của các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn”, TS. Nguyễn Văn Đính khẳng định.
Thị trường bước vào thời kỳ sôi động
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng DKRA Consulting kiêm Giám đốc Đầu tư DKRA Group cho rằng các luật, thông tư, nghị định mới được áp dụng từ ngày 1/7 và động thái duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp sẽ tiếp tục là những yếu tố ảnh hưởng tích cực lên sức cầu thị trường.
Mặt bằng giá có xu hướng tăng nhẹ tại những khu vực được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ thông tin sáp nhập địa giới hành chính. Các chủ đầu tư cũng linh hoạt điều chỉnh phương thức thanh toán, chính sách bán hàng, quà tặng mở bán, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu thị trường.
Theo ông Thắng, trong quý II/2025, phân khúc căn hộ, nguồn cung sơ cấp tăng 40% so với cùng kỳ, đạt khoảng 20.583 căn. Bình Dương (cũ) và TP. Hồ Chí Minh (cũ) chiếm 79,6% tổng nguồn cung. Sức cầu thị trường cũng chuyển biến tích cực trước động thái sáp nhập tỉnh thành, với nhu cầu gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo nguồn cung căn hộ phía Nam trong quý III/2025 sẽ duy trì như quý trước, dao động khoảng 9.000-11.000 căn, chủ yếu tập trung ở TP. Hồ Chí Minh (cũ) và Bình Dương (cũ). Phân khúc căn hộ cao cấp tiếp tục giữ vị thế chủ đạo tại TP. Hồ Chí Minh trong khi sản phẩm trung cấp, bình dân dẫn dắt nguồn cung mới tại khu vực vùng ven.
Phó Tổng giám đốc Property Guru Việt Nam Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh, sau các đợt sáp nhập tỉnh thành, thị trường bất động sản đã chứng kiến làn sóng quan tâm tăng mạnh tại nhiều khu vực tiềm năng.
Đặc biệt, tam giác siêu đô thị phía Nam TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) tiếp tục duy trì sức hút lớn không chỉ bởi quy mô dân cư mà còn bởi vị thế kinh tế trọng điểm. Khu vực này hiện đóng góp khoảng 25% GDP cả nước và 37% chỉ số phát triển thị trường bất động sản (MBI).
Tam giác này được định hướng trở thành tổ hợp công nghiệp – cảng biển – tài chính – dịch vụ hàng đầu cả nước, hứa hẹn tạo ra động lực tăng trưởng mới cho thị trường địa ốc khu vực phía Nam trong giai đoạn hậu sáp nhập.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh vẫn còn những khó khăn nhất định. Đặc biệt, trong tổng số 220 dự án bị vướng mắc pháp lý tại TP. Hồ Chí Minh có 77 dự án đã được xử lý đạt 35%, còn 143 dự án đang được tiếp tục xử lý.
“Hàng trăm dự án trên nếu không sớm được tháo gỡ để khởi động lại thì vừa rất lãng phí nguồn lực đất đai, vừa thất thu ngân sách nhà nước, lại khó khăn cho doanh nghiệp, thiếu nguồn cung nhà ở nên khó kéo giảm giá nhà trong ngắn hạn”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Thu Dịu
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-bat-dong-tp-ho-chi-minh-soi-dong-sau-sap-nhap.html