Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương phần lớn tăng điểm khi mở cửa ngày 8-7, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan cao đối với 14 đối tác thương mại, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc.
Châu Á tăng điểm, Mỹ giảm mạnh
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,36% trong phiên giao dịch đầu ngày, trong khi chỉ số Topix tăng 0,31%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,44%, trong khi chỉ số Kosdaq dành cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 0,19%.
Còn tại Úc, theo đài CNBC, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,44%. Ngân hàng Dự trữ Úc dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản xuống còn 3,6% khi cuộc họp chính sách khép lại hôm nay sau 2 ngày diễn ra.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục tăng 0,2%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông - Trung Quốc cũng tăng 0,18%.
Một màn hình tại phòng giao dịch Ngân hàng Hana ở trung tâm Seoul hiển thị chỉ số Kospi khi mở cửa phiên giao dịch ngày 8-7. Ảnh: Yonhap
Trong khi đó, các chỉ số Nifty 50 và BSE Sensex của Ấn Độ gần như không thay đổi khi thị trường mở cửa.
Đáng chú ý, chỉ số Straits của Singapore tiếp tục đà tăng sang ngày thứ hai, đạt mức cao kỷ lục mới. Tính đến 11 giờ 20 phút (giờ địa phương), chỉ số này tăng 0,46% lên mức 4.050 điểm, được thúc đẩy bởi các ngành công nghệ, công nghiệp và dịch vụ tiện ích.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi đóng cửa hôm 7-7 (giờ địa phương) trong bối cảnh Nhà Trắng gia tăng áp lực lên các đối tác thương mại lớn nhằm thúc đẩy các thỏa thuận trước khi mức thuế quan do Washington áp đặt có hiệu lực.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,8%, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng 6. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Nasdaq Composite đồng loạt giảm 0,9%.
Các nước lên tiếng
Nhật Bản
Thủ tướng Shigeru Ishiba ngày 8-7 cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại mà đôi bên cùng có lợi, đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Ông Ishiba lưu ý mặc dù chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng nhưng các cuộc đàm phán song phương gần đây đã giúp Nhật Bản tránh được mức thuế đối ứng lên tới 35% như ông Donald Trump công bố hồi đầu tháng 4.
Hàn Quốc
Bộ Công nghiệp Hàn Quốc khẳng định sẽ đẩy mạnh đàm phán thương mại với Mỹ.
"Chúng tôi cũng có kế hoạch sử dụng nó như một cơ hội để cải thiện các hệ thống và quy định trong nước, nhằm giải quyết thâm hụt thương mại - mối quan tâm lớn của Mỹ, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt thông qua quan hệ đối tác phục hưng sản xuất giữa hai nước" - bộ này cho biết.
Một số nước Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan đều tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để đạt được "thỏa thuận tốt hơn", đôi bên có lợi.
Thị trường châu Á đóng cửa tích cực
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản chốt phiên tăng 0,26% lên 39.688,81 điểm, trong khi chỉ số Topix tăng 0,17% lên 2.816,54 điểm.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng mạnh 1,81% lên 3.114,95 điểm; chỉ số Kosdaq – tập trung vào các công ty vốn hóa nhỏ – tăng 0,74% lên 784,24 điểm.
Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục tăng 0,84% và kết phiên ở mức 3.998,45 điểm, còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng tăng 1,07% trong giờ giao dịch cuối cùng.
Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 gần như đi ngang, chốt ở mức 8.590,70 điểm sau khi Ngân hàng Dự trữ Úc bất ngờ giữ nguyên lãi suất ở mức 3,85%.
Trong khi đó, hai chỉ số chính của Ấn Độ – Nifty 50 và BSE Sensex – gần như không biến động.
Hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ phải chịu mức thuế 25% kể từ ngày 1-8, theo nội dung các bức thư được ông Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social.
Các thị trường châu Á - Thái Bình Dương khác cũng phải đối mặt mức thuế cao hơn, như Indonesia sẽ bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 32%, Bangladesh bị đánh thuế 35%, Campuchia và Thái Lan sẽ phải chịu mức thuế 36%.
Trong khi đó, hàng nhập khẩu từ Lào và Myanmar sẽ bị áp thuế 40%.
Hoàng Phương