Trong phiên giao dịch ngày 21-7, VN-Index đã có lúc chạm đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Điều này phản ánh sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường, đặc biệt là từ các chính sách kinh tế trong nước. Một trong những yếu tố tạo nên “cơn sóng” mới là dòng tiền mạnh mẽ đổ vào thị trường từ cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Trong hai tuần đầu tháng 7-2025, giá trị giao dịch mỗi phiên đạt 34.000-35.000 tỷ đồng, gấp đôi mức trung bình các tháng trước; khối ngoại cũng chuyển từ bán ròng sang mua ròng mạnh. Tổng giá trị mua ròng trong nửa đầu tháng 7 đạt hơn 13.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa và tiền tệ đang được điều hành theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, với mục tiêu GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên. Khi tăng trưởng cung tiền mạnh mẽ, TTCK sẽ hưởng lợi từ dòng tiền này.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán VFS, cho rằng, dòng tiền đổ vào thị trường đang tăng rất nhanh, có phiên đạt hơn 40.000 tỷ đồng, cùng với tính thanh khoản cao đã củng cố niềm tin vào một chu kỳ tăng trưởng có chiều sâu và dài hạn, khởi đầu cho xu hướng tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Sự phục hồi của VN-Index phản ánh kỳ vọng dài hạn về cải cách và triển vọng kinh tế vì nhà đầu tư đã rời khỏi tâm lý thận trọng trước đó để bước vào trạng thái lạc quan. VN-Index hoàn toàn có thể hướng tới vùng 1.600 điểm trong năm nay, nhất là khi GDP được hướng tới mức tăng trưởng 8% và tín dụng có thể đạt 16%-18% vào cuối năm”, ông Nguyễn Minh Hoàng nhận định.
Cùng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán VPBankS, nhận xét, cung tiền trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh là một trong những yếu tố hỗ trợ mạnh nhất cho TTCK, thúc đẩy sóng tăng của thị trường.
Nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán. Ảnh: Hoàng Hùng
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,52% trong nửa đầu năm là kết quả tích cực với nhiều điểm sáng. Cụ thể: tín dụng tăng mạnh 9,9% trong nửa đầu năm 2025, tăng 19,4% so với cùng kỳ với dư nợ tín dụng đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng; giải ngân đầu tư công đạt hơn 32% kế hoạch với gần 264.800 tỷ đồng, vượt cả về tỷ lệ và giá trị so với cùng kỳ 2024; đầu tư và tiêu dùng đều tăng trưởng tích cực... Đây là những động lực không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế lên mức cao mà còn thúc đẩy TTCK bứt phá.
VN-Index chính thức vượt 1.500 điểm
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 22-7 tăng mạnh, VN-Index đã chính thức vượt xa vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm, thiết lập đỉnh cao mới lên 1.509,54 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 24,49 điểm (1,65%), lên 1.509,54 điểm với 224 mã tăng, 103 mã giảm và 43 mã đứng giá.
Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 2,06 điểm (0,84%), lên 247,85 điểm. Thanh khoản thị trường giữ ở mức cao, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn HOSE và HNX khoảng 36.400 tỷ đồng (hơn 1,38 tỷ USD).
Nâng hạng thị trường
TTCK Việt Nam đang được kỳ vọng rất lớn khi lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi đang đến rất gần, hứa hẹn thu hút dòng vốn nhiều tỷ USD từ nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, Ngân hàng lớn nhất của Mỹ - JPMorgan đã nâng đánh giá TTCK Việt Nam lên mức “tăng tỷ trọng” (overweight), tức là khuyến nghị mua và nắm tỷ trọng cao; dự báo VN-Index lên 1.600 điểm với kịch bản lạc quan vào cuối năm nay.
“Khả năng cao TTCK Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ rà soát tháng 9. Qua đó sẽ kéo theo hơn 500 triệu - 1 tỷ USD dòng vốn thụ động và chủ động đổ vào TTCK”, chuyên gia JPMorgan đánh giá.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết, đến thời điểm này TTCK Việt Nam đã đáp ứng hầu hết yêu cầu nâng hạng như triển khai giải pháp giao dịch không ký quỹ (non-prefunding), hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào hoạt động tạo nền tảng cho việc vận hành hệ thống cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP).
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa công bố lộ trình triển khai CCP cho thị trường cơ sở, dự kiến vào quý 1-2027. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá tích cực với cải cách trên TTCK Việt Nam khi áp dụng cơ chế giao dịch không cần ký quỹ (NPF - Non Prefunding) từ tháng 11-2024.
Theo ông Bùi Hoàng Hải, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nâng hạng TTCK là giải pháp có tính hiệu quả cao. Tuy nhiên, nâng hạng không phải là đích đến mà là quá trình dài hơi, phát triển TTCK Việt Nam theo hướng ngày càng minh bạch, công bằng, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
Thanh khoản đứng đầu Đông Nam Á
TTCK Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hóa, dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tính đến ngày 16-7-2025, thanh khoản trung bình 10 phiên của TTCK Việt Nam đã dẫn đầu Đông Nam Á. Đây là chỉ báo quan trọng, đặc biệt với các nhà đầu tư quốc tế khi đánh giá sức hút và độ sâu của thị trường.
Ngoài việc cải thiện hạ tầng kỹ thuật, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang tích cực đối thoại với các tổ chức xếp hạng và quỹ đầu tư quốc tế, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn như giới hạn sở hữu nước ngoài (room ngoại), minh bạch hóa thông tin và phát triển sản phẩm ESG phù hợp với xu hướng toàn cầu.