Ảnh minh họa
Chiều 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Vấn đề thị trường điện cạnh tranh thu hút nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.
TÁCH BẠCH THỰC SỰ 3 KHÂU THEN CHỐT CỦA NGÀNH ĐIỆN
Đại biểu Trần Hữu Hậu cho hay cách đây 20 năm khi tham gia thẩm tra Luật Điện lực, một vấn đề đặc biệt được quan tâm bàn thảo là xây dựng và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh. "Thế nhưng sau 20 năm, một thị trường điện cạnh tranh thực sự có vẻ còn rất mờ nhạt, rất xa vời".
Theo Luật điện lực, thị trường điện cạnh tranh có 3 cấp độ. Cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh. Cấp độ 2 là thị trường mua, bán buôn điện cạnh tranh. Cấp độ 3 là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Tuy nhiên, "cả 3 cấp độ ấy chỉ là bề nổi của thị trường điện cạnh tranh. Muốn có một thị trường điện cạnh tranh thực sự, phải thay đổi triệt để theo đúng định hướng mà Đảng và Chính phủ ta đã chỉ rõ tách bạch thực sự 3 khâu then chốt của ngành điện là: phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia”, ông Hậu nhấn mạnh
Đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn Tây Ninh, phát biểu tại hội trường chiều ngày 7/11.
Ngành điện là một ngành đặc biệt, liên quan đến an ninh năng lượng của đất nước. Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo, quản lý và điều hành tổng thể, chặt chẽ. Nhưng 3 khâu trên phải tách bạch; đồng thời tách bạch rõ ràng giữa kinh doanh với quản lý nhà nước, giữa kinh doanh với thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Theo đại biểu, những sửa đổi trong dự thảo lần này chưa có được những quy định pháp lý đủ mạnh để sự thay đổi mang tính quyết định nói trên thành công; giúp cho thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch; góp phần quyết định cho sự phát triển mạnh và bền vững của ngành điện Việt Nam.
"Nếu sửa đổi khá toàn diện như dự thảo luật, với thực trạng hiện tại của ngành điện, rất nhiều nội dung đưa ra chưa tạo được hành lang thông thoáng và căn cứ pháp lý mạnh mẽ để phát triển ngành điện đáp ứng những yêu cầu to lớn của sự phát triển đất nước và nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân”, đại biểu Hậu nói.
Nêu ý kiến vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Quảng Nam, dẫn Điều 61 về cấp độ phát triển thị trường cạnh tranh điện với ba cấp độ: thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Đại biểu cho rằng chúng ta cần quy định để phù hợp với nhu cầu vận hành của các cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Vì vậy phải hoàn thành các điều kiện trước khi bắt đầu vận hành các cấp độ thị trường điện cạnh tranh bao gồm: hệ thống pháp luật; cơ cấu lại ngành điện; cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện; cải cách cơ chế giá điện, giảm.
“Tôi nghĩ là không biết đến bao giờ chúng ta mới có được thị trường điện cạnh tranh thực sự nếu như quy định như thế này” đại biểu nói.
CẦN TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH THỰC SỰ
Theo đại biểu Nga, việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã bắt đầu được triển khai trong những năm gần đây. Tuy nhiên các chính sách thị trường điện cạnh tranh vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống, người dân vẫn tồn tại tâm lý điện là mặt hàng độc quyền.
“Vì vậy, trong lần sửa đổi này đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định đảm bảo tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường điện cạnh tranh thực sự đáp ứng tâm tư và nguyện vọng của cử tri”, đại biểu nói.
Đề cập đến vấn đề độc quyền của ngành điện, đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn Cà Mau, dẫn điểm c, khoản 2, Điều 5 dự thảo luật quy định "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện, truyền tải điện, trừ lưới điện truyền tải điện do tư nhân đầu tư xây dựng".
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đoàn Cà Mau.
Theo đại biểu, quy định như vậy là mâu thuẫn với khoản 5, Điều 5 quy định "xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác, sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải quốc gia trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật".
Hiện nay khoảng 95% lưới điện quốc gia do Nhà nước đầu tư thì khó có thể xã hội hóa được theo khoản 5, Điều 5 của dự thảo luật. Từ đó, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c, khoản 2, Điều 5 như sau: "Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp".
Nhu cầu về điện ngày càng tăng nhưng dự thảo thắt chặt kiểm soát nguồn điện như quy định tại Điều 47 dự thảo luật sẽ đẩy giá điện tăng cao như hiện nay, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, đại biểu lo ngại.
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh, đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng.
"Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Các quyết định điều chỉnh giá điện nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước", đại biểu Bình góp ý.
NẾU THÔNG QUA DỰ THẢO LUẬT TẠI MỘT KỲ HỌP LÀ QUÁ GẤP RÚT
Từ thực tế đã nêu, đại biểu Hậu đề nghị nếu thông qua tại kỳ họp này thì dự thảo luật chỉ nên tập trung vào những vấn đề thật sự cấp thiết, đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nếu sửa đổi toàn diện cần có sự nghiên cứu sâu, xem xét kỹ hơn nên cần qua 2 kỳ họp.
Đây cũng là đề xuất được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra trong quá trình thảo luận. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này của dự thảo Luật Điện lực cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Hồ sơ trình Quốc hội của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình 1 kỳ họp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, phát biểu tại hội trường.
Tuy nhiên, nội dung sửa đổi của Luật Điện lực lần này rất lớn, sửa đổi toàn bộ nội dung luật, trong đó có những nội dung quan trọng như đầu tư, phát triển dự án điện lực, mua bán điện, hệ thống điện quốc gia…“Với nội dung và khối lượng sửa đổi, bổ sung như vậy, nếu thông qua dự thảo Luật tại một kỳ họp là quá gấp rút, việc xem xét, cho ý kiến hoàn thiện các quy định sẽ không được kỹ lưỡng…
Đồng thời, các chính sách sửa đổi đều là những nội dung mang tính dài hạn, đó là sự phát triển lâu dài, ổn định của điện lực quốc gia. Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa, nhằm đảm bảo chất lượng của luật, đại biểu đề nghị không thực hiện quy trình rút gọn trong lần sửa đổi này.
Cùng quan điểm, về thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Trần Quốc Tuấn, đoàn Trà Vinh, rằng đây là nội dung cấp thiết cần phải được Quốc hội xem xét sớm thông qua, nhưng qua nghiên cứu còn nhiều nội dung cần thảo uận thật kỹ để Ban soạn thảo hoàn chỉnh trình Quốc hội lấy ý kiến thông qua, nhằm tránh trường hợp Luật được Quốc hội bấm nút thông qua nhưng khó tổ chức thực hiện.
Vì thế, đại biểu đồng tình với Ủy ban khoa học công nghệ Môi trường, đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng theo hướng thông qua Luật Điện lực sửa đổi tại 2 kỳ họp.
Theo đó, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) hoặc nếu xác định luật này mang tính cấp thiết, đề nghị thông qua vào kỳ họp bất thường cuối năm 2024.
Nhĩ Anh