Nổi bật trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá ca cao bật tăng gần 6% trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt… Ảnh tư liệu
Giá ca cao vượt 9.300 USD/tấn
Theo ghi nhận của MXV, nhóm nguyên liệu công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Đáng chú ý là mặt hàng ca cao. Đóng cửa, giá mặt hàng này tiếp đà tăng mạnh mẽ với 5,68% đạt mốc 9.310 USD/tấn - mức cao nhất trong vòng hơn hai tuần trở lại đây.
Xuất khẩu ca cao tại Bờ Biển Ngà có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Dữ liệu do chính phủ nước này công bố hôm thứ Ba cho thấy, từ ngày 1/10 đến 20/4, nông dân Bờ Biển Ngà đã vận chuyển 1,48 triệu tấn ca cao đến các cảng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2024, tuy nhiên mức tăng này đã giảm mạnh so với con số 35% được ghi nhận vào tháng 12 năm ngoái.
Trong khi đó, hoạt động xay nghiền ca cao tại các thị trường lớn cũng ghi nhận sự sụt giảm trong quý I. Tại Bắc Mỹ, lượng xay nghiền giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 110.280 tấn, nhưng vẫn tốt hơn mức dự báo của thị trường đưa ra. Tương tự, tại châu Âu, lượng xay nghiền ca cao giảm 3,7%, thấp hơn mức dự báo là khoảng 5%. Châu Á cũng chứng kiến mức giảm nhẹ hơn dự kiến với 3,4% trong cùng kỳ. Bên cạnh đó, vào ngày 10/4, Barry Callebaut AG - một trong những nhà sản xuất sô-cô-la hàng đầu thế giới đã điều chỉnh giảm dự báo doanh số hàng năm do tác động từ giá ca cao tăng cao và tình hình thuế quan phức tạp, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của hãng.
Trên thị trường cà phê, giá cà phê Arabica phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 2,96% lên 8.325 USD/tấn, trong khi cà phê Robusta mở cửa giảm hơn 1% nhưng sau đó hồi phục nhẹ, kết thúc phiên giảm nhẹ 0,42% xuống mức 5.231 USD/tấn.
Yếu tố nguồn cung tiếp tục là nhân tố chính chi phối diễn biến giá. Theo Rabobank dự báo, sản lượng cà phê Arabica của Brazil trong niên vụ 2025 - 2026 sẽ giảm 13,6% so với cùng kỳ, xuống còn 38,1 triệu bao do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn tại các vùng trồng chính, làm giảm quá trình ra hoa của cây cà phê. Ngược lại, sản lượng cà phê Robusta của Brazil được dự báo tăng 7,3%, đạt kỷ lục 24,7 triệu bao, tạo áp lực giảm giá lên mặt hàng này.
Bên cạnh đó, những thông tin tích cực về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Ấn Độ đã hỗ trợ đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, đồng real Brazil vẫn duy trì đà tăng lên mức cao nhất trong hai tuần so với USD, làm giảm động lực xuất khẩu từ các nhà sản xuất cà phê Brazil.
Ngoài ra, tồn kho được ghi nhận trên sàn ICE vào ngày 22/4 biến động nhẹ.Trong khi tồn kho Arabica tăng nhẹ 0,58% so với ngày 21/4 ở mức 806.180 bao, tồn kho Robusta giảm nhẹ 0,28% so với ngày 17/4, duy trì ở vùng thấp nhất kể từ cuối tháng 3 với 4.260 lô.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận trong sáng nay (23/4), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên dao động trong khoảng 128.500 - 129.200 đồng/kg, ổn định so với ngày trước đó. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Lắk là 129.200 đồng/kg, Lâm Đồng 128.500 đồng/kg, Gia Lai 129.000 đồng/kg và Đắk Nông 129.200 đồng/kg, phản ánh sự cân bằng tạm thời trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động.
Giá dầu quay dầu phục hồi mạnh mẽ
Trên thị trường năng lượng, ngoại trừ khí tự nhiên, toàn bộ 4 mặt hàng còn lại trong nhóm đều ghi nhận mức tăng đáng kể sau khi mối quan hệ Mỹ - Iran lại có những dấu hiệu căng thẳng trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch; giá dầu Brent đã tăng 1,78%, lên mốc 67,44 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI hợp đồng tháng 5 cũng ghi nhận mức tăng 1,95%, lên mốc 64,31 USD/thùng, trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi hợp đồng này hết hạn.
Mặc cho những tiến triển trong vòng đàm phán trên diễn ra tại Italy vào cuối tuần trước và cả vòng đàm phán đầu tiên tại Oman. ôm qua, Mỹ bất ngờ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới vào Iran. Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp mới nhắm vào Seyed Asadoollah Emamjomeh - ông trùm khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Iran cùng các công ty liên quan. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, Emamjomeh và mạng lưới của ông này đã tìm cách xuất khẩu hàng nghìn lô LPG, trong đó có cả nguồn hàng từ Mỹ, nhằm né tránh các lệnh trừng phạt và tạo nguồn thu cho Iran.
Trước đó, Mỹ cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung lên Iran ngay trước thềm vòng đàm phán thứ hai, bao gồm những thực thể ngoài Iran mà Mỹ cho là đang tiêu thụ và vận chuyển dầu thô từ quốc gia vùng Trung Đông này. Động thái này nằm trong chiến dịch “áp lực tối đa” do chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng, tập trung vào các tranh cãi liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran. Những diễn biến trên khiến thị trường lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu từ Iran, với sự quan tâm đổ dồn về vòng đàm phán thứ ba tại Oman trong tuần này.
Ngoài ra, cũng trong ngày hôm qua, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) đã công bố ước tính dự trữ dầu thô tại Mỹ. Theo đó, dự trữ dầu thô tại Mỹ đã giảm khoảng 4,56 triệu thùng trong tuần làm việc kết thúc vào ngày 18/4, ngược lại so với ước tính tăng khoảng 2,4 triệu thùng trong tuần trước đó. Trong tối nay theo giờ Việt Nam, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố dữ liệu về dự trữ dầu thô tại Mỹ, với những dự đoán trên thị trường nghiêng về sự sụt giảm, khoảng 800.000 thùng trong tuần vừa qua.
Những thông tin trên đi kèm với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm đến dầu thô từ Venezuela cùng kế hoạch cắt giảm sản lượng dư thừa của nhóm OPEC+ đã dấy lên viễn cảnh thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, củng cố đà phục hồi giá dầu. Tuy nhiên, đà tăng cũng đang bị kìm hãm bởi tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn. Thị trường đang chờ đợi công bố nhóm chỉ số PMI của thị trường Mỹ trong tối nay để có những đánh giá mới nhất về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hà Anh (tổng hợp)