Máy bay 737 MAX của hãng Boeing được lắp ráp tại nhà máy ở Renton, Washington (Mỹ). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tuy nhiên, các chính sách thuế quan thay đổi liên tục của Tổng thống Donald Trump đang làm gia tăng bất ổn kinh tế, khiến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng suy giảm mạnh, từ đó có thể khiến chi tiêu giảm sút và dẫn đến mất việc làm.
Những dấu hiệu thận trọng từ phía doanh nghiệp - thể hiện qua các cuộc khảo sát và việc cắt giảm dự báo tài chính - tiếp tục được củng cố bởi dữ liệu do Chính phủ công bố hôm 24/4, cho thấy đầu tư vào tư liệu sản xuất của doanh nghiệp trong tháng 3/2025 gần như không tăng. Giới kinh tế dự báo thị trường lao động sẽ yếu đi trong nửa cuối năm nay.
Theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 19/4 tăng thêm 6.000 đơn, lên mức điều chỉnh theo mùa là 222.000 đơn, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế. Dữ liệu tuần này bao gồm kỳ nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh, thường khiến số liệu việc làm biến động.
Kể từ khi công bố thuế quan đối ứng đầu tháng này, ông Trump đã hoãn áp thuế với hơn 50 đối tác thương mại trong 90 ngày, đồng thời nâng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Đáp lại, Bắc Kinh cũng áp thuế trả đũa 125%.
Ông Trump vẫn giữ mức thuế cơ sở 10% với hầu hết các đối tác thương mại, cùng với thuế 25% đối với ô tô, thép và nhôm. Những chính sách này - được Tổng thống Trump coi là công cụ để tăng thu ngân sách bù đắp cho việc cắt giảm thuế và phục hồi ngành công nghiệp Mỹ - đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát cao và kinh tế trì trệ.
Báo cáo Sách Be (Beige Book) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm 23/4 cho biết “nhiều khu vực ghi nhận doanh nghiệp đang chờ đợi, tạm dừng hoặc giảm tốc tuyển dụng cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng về tình hình kinh tế”. Báo cáo cũng đề cập đến “một số thông tin rải rác về việc chuẩn bị sa thải nhân sự” và tình trạng cắt giảm đáng kể việc làm trong khu vực công hoặc tại các tổ chức nhận hỗ trợ từ chính phủ.
Minh Trang (Theo Reuters)