Ngày 25/4, CNN đưa tin theo thông tin từ ba cơ quan nhập khẩu ở trung tâm công nghệ phía Nam Thâm Quyến (Trung Quốc), Trung Quốc dường như đã lặng lẽ rút lại mức thuế quan “trả đũa” 125% đối với một số chất bán dẫn được sản xuất tại Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc đã đạt được những bước tiến trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu chip và thiết bị sản xuất chip. (Ảnh: Reuters)
Các miễn trừ áp dụng cho các mạch tích hợp, còn được gọi là vi mạch hoặc chất bán dẫn. Các cơ quan nhập khẩu ở trung tâm công nghệ phía Nam Thâm Quyến đã phát hiện ra các trường hợp miễn trừ vào ngày 24/4. Đến nay, việc này chưa được công bố chính thức.
Trước đó, ngày 12/4, Trung Quốc đã tăng thuế đối ứng lên 125% đối với tất cả hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ, để đáp lại động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức cao ngất ngưởng 145%.
Năm ngoái, theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu chất bán dẫn trị giá 11,7 tỷ USD từ Mỹ.
Chất bán dẫn là một phần không thể thiếu của mọi thiết bị điện tử. Chúng rất khó thực hiện vì chi phí phát triển cao và sự phát triển về công nghệ cần thiết. Điều đó nghĩa là chỉ có một số ít nhà cung cấp.
Mặc dù Trung Quốc đã có những bước tiến trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu chip và thiết bị sản xuất chip từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hà Lan.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh hỗ trợ lĩnh vực công nghệ của mình.
Đầu tháng này, Trung Quốc đã dỡ bỏ thuế quan đối với chip do các công ty Mỹ thiết kế nhưng được sản xuất bên ngoài đất nước.
Vào ngày 11/4, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc cho biết, trong một bài đăng trên kênh truyền thông xã hội chính thức của mình rằng, “quốc gia xuất xứ được công bố" của sản phẩm là địa điểm của nhà máy nơi sản xuất sản phẩm đó.
Điều đó có nghĩa là chất bán dẫn từ các nhà thiết kế chip của Mỹ như Qualcomm và Nvidia, được sản xuất bên ngoài Mỹ sẽ không phải chịu thuế quan 125% của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ.
Quỳnh Trâm