Thủ tướng Australia Anthony Albanese ám chỉ kho dự trữ này có thể trở thành “lá bài tẩy” trong đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan. (Nguồn: ABC News)
Ông Albanese cam kết sẽ thành lập một kho dự trữ chiến lược chứa 31 loại khoáng sản quan trọng nếu thắng cử vào ngày 3/5 tới. Theo ông, kế hoạch này sẽ giúp bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng, bao gồm việc thu mua khối lượng khoáng sản đã được thỏa thuận từ các dự án thương mại, hoặc thiết lập tùy chọn mua với mức giá cố định.
Kho dự trữ này, tập trung vào những khoáng sản “quan trọng nhất đối với an ninh quốc gia Australia và các đối tác chủ chốt”, dự kiến đi vào hoạt động từ nửa sau năm 2026. Australia sẽ bán một phần khoáng sản này ra thị trường toàn cầu và cho các đối tác quốc tế chủ chốt.
Thủ tướng Australia ám chỉ rằng, kho dự trữ này có thể trở thành “lá bài tẩy” trong đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan. Dù là đồng minh thân cận của Washington, Canberra vẫn không đảm bảo sẽ được miễn trừ khỏi thuế thép và nhôm, cũng như mức thuế chung 10% mà ông Trump áp đặt.
Australia sở hữu một số mỏ khoáng sản quan trọng lớn nhất thế giới như liti, coban và đất hiếm, vốn là nguyên liệu chính để sản xuất pin xe điện, điện thoại thông minh, pin năng lượng mặt trời, tuabin gió, vũ khí và thiết bị y tế. Một số khoáng sản còn rất cần thiết cho ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không.
Tuy nhiên, phần lớn quy trình chế biến khoáng sản quan trọng vẫn diễn ra tại Trung Quốc, quốc gia hiện sản xuất khoảng 70% khoáng sản quan trọng và 90% đất hiếm toàn cầu. Ở một số thời điểm, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu do những tranh chấp địa chính trị, bao gồm cả các lệnh hạn chế gần đây để đáp trả chính sách thuế quan của ông Trump.
Trả lời hãng tin Sky News về sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến khoáng sản quan trọng, Bộ trưởng Tài nguyên Australia Madeleine King nhấn mạnh: “Đúng vậy, chúng tôi đang cố gắng phá bỏ sự độc quyền về chuỗi cung ứng này ngay tại Australia”.
Dù sở hữu nguồn khoáng sản quan trọng dồi dào nhưng Australia lại hạn chế về năng lực chế biến. Thủ tướng Albanese đã đầu tư 475 triệu AUD vào việc phát triển một nhà máy xử lý đất hiếm ở Tây Australia, do công ty khai thác Iluka Resources điều hành. Ngoài ra, Australia cũng sản xuất các khoáng sản như coban và niken.
Nhưng từ lâu, các công ty tại Australia và cả những quốc gia khác đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng vị thế thống trị để kiểm soát sản lượng và giá cả nhằm ngăn cản các đối thủ cạnh tranh.
TS. John Coyne, Giám đốc chương trình an ninh quốc gia tại Viện Chính sách chiến lược Australia cho biết, kế hoạch thành lập kho dự trữ có thể giúp giảm thiểu sự phụ thuộc toàn cầu vào Trung Quốc. Sự phụ thuộc này gây rủi ro vì nó cho phép Trung Quốc thao túng giá hoặc đột ngột cắt giảm nguồn cung do căng thẳng địa chính trị, xung đột nội bộ hoặc thiên tai.
Ông John Coyne mô tả kế hoạch như một “bước khởi đầu xuất sắc”, nhưng khả năng thành công sẽ phụ thuộc vào việc Australia có thể hợp tác với những quốc gia có năng lực và tiềm năng chế biến tốt hơn hay không (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Liên minh châu Âu).
Chủ tịch Hiệp hội khai thác và thăm dò Australia Warren Pearce tuyên bố, kế hoạch này sẽ giúp Australia “tận dụng vị thế quốc gia sản xuất khoáng sản quan trọng hàng đầu trên thị trường” và là “một bước tiến tích cực, tạo cú hích lớn cho ngành công nghiệp khoáng sản quan trọng” tại xứ sở chuột túi.
(theo Asia News)
Phúc Kiên