Chủ tịch NU khẳng định, chứng nhận Halal là chính sách cần thiết và hợp pháp tại Indonesia - nơi có phần đông dân số là người Hồi giáo. Ảnh: Sản phẩm nho khô của Mỹ tại một cửa hàng Indonesia. (Nguồn: Jakarta Globe)
Chủ tịch NU Yahya Cholil Staquf nhấn mạnh, Indonesia phải có trách nhiệm bảo vệ phần đông dân số Hồi giáo trước các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống không tuân thủ tiêu chuẩn Halal.
Trong một buổi họp báo vào tháng 4/2025, ông Yahya tuyên bố: “Người Mỹ có thể lên tiếng vì lo ngại, tuy nhiên, chúng tôi có quyền tối cao thực hiện các nguyên tắc bảo vệ người dân”.
Ông cũng khẳng định, chứng nhận Halal là chính sách cần thiết và hợp pháp tại Indonesia - nơi có phần đông dân số là người Hồi giáo.
“Việc người dân yêu cầu các điều khoản Halal là hoàn toàn hợp lý và chính phủ phải có trách nhiệm đáp ứng những nguyện vọng này”, vị lãnh đạo NU nhấn mạnh, đồng thời cho biết, nhiều quốc gia có đông người Hồi giáo khác đưa ra các thể chế Halal thậm chí còn nghiêm ngặt hơn so với Indonesia.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) đề cập tới quy định Halal của Indonesia trong báo cáo mới đây nhất về rào cản thương mại nước ngoài.
Cụ thể, USTR phân loại yêu cầu chứng nhận Halal bắt buộc của quốc gia Đông Nam Á là một “rào cản kỹ thuật đối với thương mại” cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
Nhà lãnh đạo NU nhấn mạnh, chỉ trích của Washington chỉ tập trung vào lợi ích thương mại mà quên đi mất những giá trị tôn giáo đằng sau quy định của Jakarta.
“Người Mỹ có thể bán sản phẩm ở đây - miễn là họ tuân thủ luật của chúng tôi. Các sản phẩm không có nhãn dán Halal vẫn có thể được bán trên thị trường, nhưng không được quảng bá là sản phẩm Halal. Đơn giản vậy thôi”, ông cho biết.
Theo USTR, Indonesis yêu cầu chứng nhận Halal bắt buộc với nhiều hàng hóa, bao gồm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế, sản phẩm sinh học, biến đổi gen, hàng tiêu dùng và hóa chất.
Các quy định này dựa trên Luật số 33/2014 của nước này về Đảm bảo sản phẩm Halal, yêu cầu bắt buộc tất cả quy trình kinh doanh, gồm sản xuất, lưu trữ, đóng gói, phân phối và tiếp thị - đều phải tuân thủ tiêu chuẩn Halal.
Báo cáo cũng chỉ trích quốc gia Đông Nam Á vì hoàn thiện nhiều quy định trước khi thông báo cho Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) hay tham khảo ý kiến các bên liên quan theo yêu cầu của Thỏa thuận WTO về Rào cản kỹ thuật với thương mại.
“Trong 5 năm qua, quốc gia này luôn thông báo các biện pháp thực hiện Luật Halal chỉ sau khi những quy định này có hiệu lực”, báo cáo cho biết. Ngoài ra, USTR cũng đưa ra lo ngại về nghị định do Bộ Tôn giáo Indonesia đưa ra về việc mở rộng một loạt sản phẩm yêu cầu có chứng nhận Halal.
Báo cáo cho biết, Cơ quan Thực hiện bảo đảm sản phẩm Halal của Indonesia (BPJPH) thậm chí ban hành quy định riêng về việc công nhận các tổ chức chứng nhận Halal nước ngoài và đánh giá mức độ phù hợp của các tổ chức này.
Theo USTR, những quy định trên đòi hỏi thủ tục giấy tờ rườm rà, các yêu cầu kiểm toán phức tạp và tỷ lệ phạm vi-kiểm toán viên cứng nhắc, dẫn tới việc tăng chi phí để tuân thủ và làm chậm quá trình được công nhận cho các nhà xuất khẩu Washington.
(theo Jakarta Globe)
Hải Phương