Thị trường nhà liền thổ phân hóa: Hà Nội tăng mạnh, TP HCM giao dịch chậm

Thị trường nhà liền thổ phân hóa: Hà Nội tăng mạnh, TP HCM giao dịch chậm
4 giờ trướcBài gốc
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, nguồn cung và giao dịch nhà liền thổ tại Hà Nội trong quý đầu năm 2025 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước, mặc dù có sụt giảm nhẹ so với quý cuối năm 2024.
Cụ thể, nguồn cung sơ cấp tại Hà Nội đạt 4.004 căn từ 17 dự án, giảm 20% theo quý nhưng tăng gấp 6 lần theo năm. Trong đó, nhà liền kề chiếm tỷ trọng lớn nhất (64%), tiếp theo là nhà phố thương mại (31%) và biệt thự (5%).
Số lượng giao dịch đạt 1.629 căn, giảm 49% theo quý nhưng tăng mạnh theo năm. Về giá, biệt thự tại Hà Nội có giá trung bình 282 triệu đồng/m2 đất, giảm 14% theo quý nhưng tăng gấp đôi theo năm. Nhà liền kề giá 239 triệu đồng/m2 đất, giảm 14% theo quý nhưng tăng 24% theo năm. Nhà phố thương mại giá 278 triệu đồng/m2 đất, giảm 12% theo quý và ổn định theo năm.
Đại diện Savills đánh giá trong 5 năm qua, giá trị bất động sản thấp tầng tại Hà Nội đã tăng đáng kể. Giá biệt thự tăng trung bình 29% mỗi năm, liền kề 22% mỗi năm và nhà phố thương mại khoảng 11%-16% mỗi năm.
TP HCM giao dịch nhỏ giọt
Tuy nhiên, tại TP HCM, phân khúc biệt thự/liền kề trong quý 1/2025 lại trầm lắng hơn. Thị trường không ghi nhận dự án mới nào, nguồn cung mới chỉ có thêm 89 căn từ giai đoạn tiếp theo của 3 dự án hiện hữu. Phần lớn nguồn cung mới (hơn 90%) đến từ một dự án tại huyện Bình Chánh.
Tổng nguồn cung sơ cấp tại TP HCM tăng 14% theo quý lên 698 căn. Nhà phố thương mại là sản phẩm chủ đạo, chiếm 53%, biệt thự chiếm 26% và nhà liền kề 21%.
Tình hình hoạt động của phân khúc này khá chậm chạp khi chỉ có 69 giao dịch được ghi nhận trong quý, với tỷ lệ hấp thụ chỉ 10%, không đổi theo quý và giảm 5 điểm phần trăm theo năm. Nguồn cung mới có tỷ lệ hấp thụ tốt hơn, đạt 28%. Hầu hết các giao dịch tập trung vào nhà liền kề (chiếm 59%), trong khi nhà phố thương mại và biệt thự chỉ chiếm lần lượt 29% và 12%.
Ông Matthew Powell nhận định nguồn cung tại TP HCM thời gian tới vẫn sẽ hạn chế và tập trung nhiều ở phân khúc giá cao. Tuy nhiên, sản phẩm dự kiến sẽ dần mở rộng ra khu vực ngoài trung tâm thành phố.
"Sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng tại những tỉnh phía Nam tiếp tục thúc đẩy quá trình mở rộng ra các khu vực ngoại thành và tỉnh lân cận TP HCM. Cơ sở hạ tầng trở thành động lực làm đa dạng nguồn cung cho khu vực lân cận TP HCM với việc hình thành nhiều khu dân cư mới và gia tăng chất lượng phát triển", chuyên gia Savills nhấn mạnh.
Nhận định chung về phân khúc bất động sản thấp tầng, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn, do lượng người giàu tại Việt Nam tăng nhanh. Báo cáo The Wealth Report năm 2025 của Knight Frank chỉ ra Việt Nam có tới 5.459 cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD (năm 2024), chiếm 0,2% tổng số cá nhân thượng lưu toàn cầu. Điều này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 6 tại Đông Nam Á về số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI), tạo ra nhu cầu tiềm năng cho các sản phẩm bất động sản cao cấp như biệt thự, nhà liền kề.
An Khánh
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/thi-truong-nha-lien-tho-phan-hoa-ha-noi-tang-manh-tp-hcm-giao-dich-cham-82728.html