Vì sao 'trùm' bút bi Thiên Long muốn đi bán sách?

Vì sao 'trùm' bút bi Thiên Long muốn đi bán sách?
21 giờ trướcBài gốc
Nhà sách truyền thống vẫn là điểm đến yêu thích của nhiều khách hàng. Ảnh: FHS.
Vừa qua, thông tin Thiên Long Group mua cổ phần chi phối chuỗi nhà sách Phương Nam nhận được nhiều sự quan tâm chú ý.
Thương vụ này khiến cục diện thị trường chuỗi nhà sách Việt Nam có những diễn biến mới trong bối cảnh Thiên Long cũng là đối tác, nhà cung cấp cho Fahasa - chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam.
Fahasa vững vàng ở vị trí dẫn đầu
Thị trường chuỗi nhà sách tại Việt Nam đang là cuộc đua của hai "ông lớn" là Fahasa và Phương Nam. Trong đó, Fahasa vững vàng ở vị thế dẫn đầu với hơn 120 nhà sách trên toàn quốc. Thời gian qua, đơn vị này liên tục mở rộng và cải tạo nhiều nhà sách tại TP.HCM cũng như các tỉnh, thành.
Gần đây, Fahasa đã khai trương nhà sách tại quận Phú Nhuận và Gò Vấp (TP.HCM) trong khi tiếp tục mở chi nhánh mới tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, tọa lạc tại các trung tâm thương mại sầm uất vào ngày 29/5 tới.
Trong năm 2024, chủ chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam ghi nhận hơn 4.039 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với năm liền trước, cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ khi Fahasa thực hiện công bố thông tin, từ năm 2013.
Lợi nhuận sau thuế cũng tăng nhẹ lên gần 58 tỷ đồng, đánh dấu mức lãi cao nhất doanh nghiệp ghi nhận được trong 1 thập kỷ qua.
Fahasa liên tục khai trương nhiều nhà sách mới tại TP.HCM và các tỉnh, thành. Ảnh: FHS.
Ông Phạm Nam Thắng, Tổng giám đốc Fahasa cho biết với 48 năm kinh nghiệm, Fahasa có cách vận hành hợp lý để tối ưu chi phí và đảm bảo doanh thu nên tất cả nhà sách của chuỗi đều đang có lãi.
Chia sẻ về màn M&A của Thiên Long với Phương Nam, ông Thắng cho rằng điều này có thể thay đổi mối quan hệ giữa Fahasa và các đối tác, đối thủ này.
"Chúng tôi luôn chuyên nghiệp trong mối quan hệ với các bên. Chúng tôi nhập hàng hóa của các bên vừa là đối tác vừa là đối thủ như Tân Việt, Thiên Long, Phương Nam Books. Chỉ cần Thiên Long và Phương Nam cũng chuyên nghiệp thì Fahasa thấy đây không phải là vấn đề lớn", ông Thắng nói với Tri Thức - Znews.
Ông cũng nhấn mạnh Fahasa không tập trung vào đối thủ, chỉ chú trọng cải thiện và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Bước tiến mới của Phương Nam?
Về phía Phương Nam, thương hiệu này đang có khoảng 50 nhà sách, tập trung chủ yếu tại TP.HCM. Sự tham gia của Thiên Long cũng được kỳ vọng mang lại luồng gió mới cho chuỗi nhà sách sau 2 năm liên tiếp suy giảm doanh thu. Năm 2024, Phương Nam ghi nhận doanh thu thuần 614 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước đó. Lợi nhuận cũng giảm mạnh từ 16,7 tỷ đồng về còn 10,2 tỷ đồng.
Với Thiên Long, việc thâu tóm Phương Nam sẽ lập tức giúp "ông vua văn phòng phẩm" trực tiếp sở hữu hệ thống phân phối khoảng 50 nhà sách, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam và trọng điểm là TP.HCM.
Đây là sự bổ sung lớn vào hệ thống điểm bán trực tiếp của Thiên Long, khi các chuỗi Clever Box và Peektoy do họ tự phát triển mới có được 12 cửa hàng sau gần 3 năm ra mắt.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Nguyễn Đình Thứ, Giám đốc chiến lược và đầu tư Thiên Long Group, kiêm Giám đốc Công ty Tân Lực Miền Nam (công ty con của Thiên Long sắp sở hữu cổ phần chi phối tại Phương Nam) cho biết chiến lược M&A đã được Thiên Long đề ra, bám sát và thực hiện trong suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, đây là thương vụ chi phối đầu tiên được công bố, vì tập đoàn đánh giá rất nhiều phương diện, cũng như có phương pháp tiếp cận thận trọng đối với các khoản đầu tư.
Sau 2 năm liên tiếp suy giảm doanh thu, việc về dưới trướng của Thiên Long có thể là bước tiến mới cho Phương Nam. Ảnh: PNC.
Về dài hạn, Phương Nam là đối tác phù hợp với Thiên Long vì cùng có hệ sinh thái sản phẩm phục vụ học tập, sáng tạo và phát triển trí tuệ đúng với triết lý "happy learning life" của tập đoàn. Ông Thứ cũng cho rằng hai bên đều là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, với thương hiệu top-of-mind với người tiêu dùng Việt Nam được xây dựng gần 45 năm qua.
Bên cạnh đó, đối với ngành văn phòng phẩm, hệ thống nhà sách là đối tác quan trọng và đóng góp tỷ trọng lớn. Vì vậy, hệ thống 50 nhà sách của Phương Nam sẽ mang lại cho Thiên Long nhiều giá trị cộng hưởng về kinh doanh và tăng trưởng.
Về trung hạn, ông Thứ cho biết việc đầu tư vào Phương Nam giúp Thiên Long Group mở rộng chuỗi giá trị theo chiều dọc, và thông qua kênh phân phối này giúp nắm bắt được xu hướng, nhu cầu người tiêu dùng về sản phẩm, ngành hàng để việc phát triển sản phẩm mới đạt hiệu quả hơn, mang đến các sản phẩm chất lượng, hợp xu hướng và đúng với nhu cầu của người tiêu dùng.
Mặt khác, thương vụ cũng giúp Thiên Long mở rộng hệ thống cửa hàng đồ chơi và lifestyle - Clever World hiện tại lên quy mô lớn hơn, trong thời gian ngắn và với chi phí hiệu quả, đúng với định hướng đã triển khai trong nhiều năm trở lại đây.
Ngoài Fahasa và Phương Nam ở top đầu, tập trung tại thị trường phía Nam, thị trường chuỗi nhà sách còn có các thương hiệu ADC Book (15 chi nhánh tại Hà Nội), Tân Việt (21 cơ sở ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc), góp phần tạo nên một "cuộc chơi" sôi động, nhiều màu sắc.
Diệu Thanh
Nguồn Znews : https://znews.vn/vi-sao-trum-but-bi-thien-long-muon-di-ban-sach-post1555827.html